Bắt nhịp công nghệ mới

04/02/2022 | 14:35 GMT+7

Nông nghiệp Hậu Giang đang bắt nhịp làn sóng ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bước tiến này giúp người dân thoát khỏi canh tác truyền thống, hướng tới công nghệ số hiệu quả và bền vững.

Nông dân Hậu Giang đang ứng dụng mạnh mẽ việc sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật mang lại nhiều tiện ích.

Tiêu thụ nông sản bằng sàn giao dịch điện tử

Dù đã là những ngày cuối của năm 2021, nhưng ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Long, ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy vẫn còn miệt mài bên chiếc máy vi tính. Khi gặp chúng tôi, ông cho biết là đang rà soát lại danh sách khách hàng đặt mua sản phẩm “gạo sạch Vị Thủy” của HTX trên trang website giới thiệu bán hàng của mình để chốt ngày, giờ giao cho kịp thời. Theo ông, hiện nay đa phần mọi nhà đều có thiết bị điện thoại thông minh, máy tính… nên dễ dàng tiếp cận với internet để đáp ứng nhu cầu mọi mặt của đời sống. Chẳng hạn như người dân muốn mua sản phẩm gạo sạch của HTX thì chỉ việc chọn loại gạo, số lượng cần mua và cho địa chỉ là HTX giao tới tận nhà trên phạm vi toàn quốc.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã thành lập được Tổ bay không người lái với 13 thiết bị bay, bình quân trong 2 năm gần đây, đơn vị phục vụ khoảng 1.500ha lúa/năm cho nông dân.

Từ đó, có thể thấy, việc áp dụng công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đang được xem là hướng đi mới phù hợp với thời đại mà HTX đã áp dụng từ tháng 7 vừa qua. Hiện tại, trên App nông sản Hậu Giang, HTX Tân Long tạo 5 sàn giao dịch để quảng bá, giới thiệu về những thông tin cơ bản của 5 loại sản phẩm gạo sạch, chủ yếu là nhóm giống lúa ST do thành viên và bà con bên ngoài liên kết với HTX sản xuất.

Ông Thích cho hay, lúc chưa tham gia sàn giao dịch điện tử thì bình quân mỗi tháng HTX Tân Long tiêu thụ chưa đến 10 tấn gạo, còn bây giờ thì sản lượng tiêu thụ hơn 20 tấn/tháng. Ngoài ra, khi tham gia sàn giao dịch điện tử còn giúp HTX không tốn tiền thuê người giới thiệu sản phẩm, giảm chi phí qua các khâu trung gian, từ đó tăng nguồn lợi nhuận cho xã viên.

Thành công của HTX Tân Long trong bán hàng trên sàn giao dịch điện tử nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ ngành nông nghiệp tỉnh. Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, đơn vị đã xây dựng hoàn thành trang 2 website. Đặc biệt là trang nông sản Hậu Giang nhằm giúp nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp trong tỉnh tạo địa chỉ quảng bá sản phẩm của mình. Ngoài ra, trang website còn để nông dân ghi chép nhật ký điện tử về thông tin sản phẩm thay cho cách ghi truyền thống là trên sổ sách. Việc làm trên không chỉ giúp nông dân lưu trữ thông tin, mà còn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc thông qua khách hàng quét mã QR Code.

Thay đổi sản xuất theo công nghệ số  

Bước đi vượt bậc trong canh tác nông nghiệp ở Hậu Giang là việc áp dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật thông qua hệ thống cảm biến định vị thông minh. Theo nhiều hộ dân, khi phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái sẽ giảm hơn 10% lượng thuốc đầu vào, kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa đạt hiệu quả hơn; giảm tổn thất sản lượng lúa từ 1-2% so với phun thuốc thông thường, do lúa không bị giẫm đạp.

Thấy hiệu quả của thiết bị bay không người lái nên anh Nguyễn Thanh Phong, ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp đã đầu tư hẵn một thiết bị này với giá gần 600 triệu đồng để phun cho 5ha lúa của gia đình và làm dịch vụ. Anh Phong cho biết: “Sau khi được hướng dẫn kỹ lưỡng về kỹ thuật bay, lập trình định vị vị trí bay thì tôi đầu tư luôn chiếc máy bay không người lái, trong đó Nhà nước hỗ trợ được 37%, số tiền còn lại do gia đình tự trả. Từ đầu vụ xuống giống lúa Đông xuân đến nay, ngoài phun thuốc cho đất nhà và phục vụ nhu cầu cho bà con trong ấp thì tôi cùng với Tổ bay của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đi phun thuốc cho bà con ở nhiều địa phương khác trong Tỉnh”.

Theo anh Phong, việc áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm nhiều sức lao động, thời gian phun thuốc nhanh nên tăng hiệu quả sản xuất. Chẳng hạn, với 5ha lúa sau khi được định vị vị trí phun thuốc thông qua hệ thống điện thoại thông minh có kết nối với thiết bị bay thì chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ là xong, còn phun theo truyền thống thì một người phải mất khoảng 2 ngày. Do tiết kiệm nhân công và thuốc bảo vệ thực vật, tính ra 1 vụ anh tiết kiệm khoảng chục triệu đồng tiền công và tiền thuốc.

Bên cạnh việc đưa trang thiết bị hiện đại vào các khâu trong sản xuất thì nông dân trong tỉnh còn ứng dụng hệ thống bơm, tưới nước tự động gắn với thiết bị điều khiển từ xa như mô hình trạm bơm điện, hệ thống tưới nước nhỏ giọt trong nhà kính,… cũng đang mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ông Trần Văn Thêm, có hơn 1ha lúa ở ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho hay: “Sau gần 2 năm được đầu tư trạm bơm điện tự động thì việc bơm và rút nước của bà con ở cánh đồng rộng khoảng 400ha này trở nên khỏe hơn rất nhiều. Bởi, khi cần đưa nước vào ruộng thì người quản lý trạm bơm chỉ việc bấm nút là máy tự động chạy. Nhờ đỡ lo khâu bơm nước cho cây lúa nên tôi có thời gian rảnh để sửa sang lại nhà cửa cho tươm tất chuẩn bị đón tết”.

Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm từng bước thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đồng thời phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác và tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Trong năm 2022 và định hướng đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh còn tiến hành xây dựng phần mềm quản lý các dữ liệu liên quan đến ngành; hệ thống cảnh báo, giám sát tích hợp; bản đồ thổ nhưỡng; đặc biệt là thí điểm tại 8 địa phương trong tỉnh thực hiện mô hình đi thăm đồng bằng máy bay không người lái gắn camera có độ phân giải cao để thu thập dữ liệu hình ảnh…

Với những hướng đi mới của ngành chức năng, cùng với sự năng động, nhạy bén của người dân, tin tưởng rằng nền nông nghiệp Hậu Giang sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tiêu thụ, nâng cao đời sống, thu nhập của nhà nông…

Hiện tại, Sở NN&PTNT tỉnh đã thành lập Tổ vận hành thiết bị bay không người lái để làm dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng cho người dân. Tổ có 20 thành viên, với 13 thiết bị bay không người lái, trong đó có 3 thiết bị được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Giá phun thuốc dịch vụ trên cây lúa là 200.000 đồng/ha/lần phun, còn cây ăn trái là 500.000 đồng/ha/lần phun. 

------------------

Cũng liên quan đến chuyển đổi số thì thời gian qua, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng; ngành kiểm lâm tỉnh đang triển khai phần mềm QGIS để theo dõi, cập nhật diễn biến rừng hàng tháng, quý và năm; ngành thủy lợi lắp đặt 20 trạm quan trắc để đo mặn và mưa tự động; ngành thủy sản ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin - sản xuất và tiêu thụ cá tra, cũng như phần mềm VAHIS và hệ thống báo cáo dịch bệnh trên thủy sản...

 

TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>