Tháo gỡ khó khăn trong xử lý tài sản thi hành án

10/05/2024 | 05:37 GMT+7

Kê biên, xử lý tài sản là giai đoạn quan trọng trong quá trình thi hành án dân sự (THADS). Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường hợp thi hành án gặp những vướng mắc trong quá trình xử lý đối với tài sản chung giữa vợ chồng hoặc hộ gia đình, khiến quá trình thi hành án kéo dài, gây khó khăn cho người được thi hành án và cả cơ quan thi hành án.

Lãnh đạo cơ quan THADS chia sẻ vướng mắc trong quá trình thi hành án.

Hiện nay, nhiều vụ việc người được thi hành án đã nộp đơn yêu cầu thi hành, nhưng do phần tài sản của người phải thi hành án là tài sản chung nên người được thi hành án phải chờ đợi phân chia tài sản, khiến việc lấy lại tài sản mất nhiều thời gian.

Bà Nguyễn Kim Oanh, ngụ xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết, theo bản án của Tòa án nhân dân tỉnh, bà H., ngụ cùng địa phương có trách nhiệm trả cho bà Oanh số tiền gần 300 triệu đồng và tài sản thi hành án là nhà và đất mà bà H. đang sinh sống. Tuy nhiên, số tài sản này là tài sản chung giữa bà H. với chồng và bà H. cũng không tự nguyện thi hành án.

“Cứ tưởng tòa tuyên án xong, cơ quan thi hành án vào cuộc thì tôi sẽ được nhận lại số tiền bà H. nợ. Ấy vậy mà gần 1 năm qua, tôi vẫn chưa nhận được tiền và vẫn phải chờ”, bà Oanh bức xúc cho biết.

Theo Luật Thi hành án dân sự, trong quá trình thi hành án, nếu chấp hành viên chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì chấp hành viên tiến hành thông báo cho người phải thi hành án và người có phần tài sản chung tự thỏa thuận để phân chia hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, nếu các bên không tự thỏa thuận thì người được thi hành án có quyền yêu cầu tòa án xác định phần sở hữu chung này, nếu người được thi hành án không yêu cầu thì sau 15 ngày, chấp hành viên phụ trách vụ án sẽ yêu cầu tòa án xác định.

Dù luật quy định rất chặt chẽ, song trong thực tế, người phải thi hành án thường không muốn thi hành hoặc tìm mọi cách để kéo dài thời gian thi hành án. Còn những người có nghĩa vụ liên quan (đồng sở hữu tài sản) cũng không khởi kiện yêu cầu tòa án phân chia, xác định quyền sở hữu tài sản, khiến cho việc thi hành bản án giậm chân tại chỗ.

Để có cơ sở xác định phần sở hữu, sử dụng tài sản chung theo số lượng thành viên của hộ gia đình hoặc của vợ, chồng tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản… đòi hỏi chấp hành viên phải yêu cầu tòa xác định phần tài sản chung này.

Theo ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh, nhiệm vụ của chấp hành viên là thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, quy định về chế độ tài sản chung, riêng của vợ, chồng hay tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng chung của hộ gia đình đối với bất động sản khá phức tạp nên việc xác minh, làm rõ về nguồn gốc tài sản rất khó khăn khi không nhận được sự hợp tác của các bên đồng sở hữu.

“Hiện nay, luật quy định chấp hành viên có thể khởi kiện để yêu cầu phân chia tài sản, tuy nhiên nếu chấp hành viên khởi kiện, về án phí thì được miễn, nhưng chi phí tố tụng khác như đo vẽ, thẩm định,… phải tạm ứng trước là khá lớn, trong khi kinh phí của cơ quan thi hành án hạn chế, vì vậy rất khó cho cơ quan thi hành án trong quá trình xử lý các tài sản chung”, ông Toàn chia sẻ.

Một vấn đề nữa trong quá trình phân chia tài sản chung, nhất là tài sản chung của hộ gia đình đó là sau khi phân chia người phải thi hành án lại không đủ tài sản để thi hành án, gây thiệt thòi cho người được thi hành án.

Trường hợp này, các tổ chức tín dụng chịu thiệt thòi nhiều nhất khi tài sản lúc thế chấp có giá trị lớn, nhưng sau khi phân chia giá trị tài sản này có thể giảm xuống, dẫn đến phần tài sản của người phải thi hành án lúc này không đủ để thi hành án, khiến các tổ chức tín dụng khó thu hồi số tiền đã cho vay ban đầu.

Để xử lý vấn đề phân chia tài sản chung, các cơ quan THADS đề xuất nên chăng có thêm cơ chế hoặc chính sách để hỗ trợ cơ quan THADS trong trường hợp xử lý các tài sản chung. Qua đó, giúp đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, những người có quyền, lợi ích liên quan và cả người phải thi hành án.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>