Tự hào với những chiến công phòng, chống tội phạm công nghệ cao

10/01/2024 | 09:36 GMT+7

Trước thềm xuân mới, nhiều cán bộ trong lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và công an địa phương cảm thấy tự hào khi trực tiếp đấu tranh ngăn chặn kịp thời những vụ lừa đảo tinh vi, xảo quyệt, mang lại niềm vui khôn tả cho người dân.

Trong đấu tranh ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao, đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì thực hiện, đôi lúc phải thâu đêm truy tìm dấu vết, manh mối.

Vừa họp triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 xong, trung tá Cao Bửu Tòng, Trưởng Công an phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, ngồi tựa lưng trên ghế đá trước cửa trụ sở, vui vẻ nói: “Năm rồi, đơn vị kịp thời ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, nhưng để lại trong tôi dấu ấn nhất là ngăn chặn vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền khá lớn là 280 triệu đồng”.

Kịp thời ngăn chặn, triệt phá

Vụ việc xảy ra gần 3 tháng, nhưng với trung tá Cao Bửu Tòng như mới vài ngày. Đó là khoảng 10 giờ của một ngày cuối tháng 10-2023, chị N., ngụ phường Lái Hiếu, nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Đầu dây bên kia là người đàn ông tự xưng là “cán bộ” Công an thành phố Hà Nội. Qua một hồi trò chuyện, hắn thông báo cho chị N. biết là có liên quan đến vụ mua bán trái phép chất ma túy và “rửa tiền”, hiện ngành chức năng có lệnh bắt khẩn cấp.

Để lừa được chị, hắn dàn cảnh có nhiều cán bộ công an đang làm việc trong phòng rất nghiêm túc, rồi quay video cho chị xem. Sau đó, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và chuyển vào tài khoản của hắn 280 triệu đồng để giúp đỡ, nếu không sẽ bị bắt. Đáng nói là, mọi thông tin phải được giữ bí mật, không để ai biết. Vì lo sợ trước những lời đe dọa, nên chị N. chuẩn bị đủ số tiền và thuê một phòng trọ ở phường Hiệp Thành để lên kế hoạch chuyển cho đối tượng này.

Thế nhưng, qua “tai mắt” và am tường thủ đoạn của chúng, trung tá Tòng khẩn trương phối hợp ngành chức năng tìm gặp chị N. để giải thích, giúp chị nhận ra và vui mừng khi không mất tài sản trong tích tắc. Thậm chí, có những vụ tội phạm tinh vi, xảo quyệt hơn, chiếm đoạt cả trăm triệu đồng, sau đó lẩn trốn nhiều nơi, nhưng cũng không qua mắt được các anh. Trong đó, vụ bắt đối tượng T., thường trú thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một điển hình.

Cụ thể, từ nguồn tin báo của bị hại ở huyện Long Mỹ, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phối hợp với công an các địa phương truy tìm dấu vết, manh mối đối tượng từ nhiều tháng. Đến đầu tháng 10-2023, phát hiện, tiến hành bắt giữ đối tượng T., khi đang nghỉ tại một khách sạn ở quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, lực lượng khám xét nơi ở của hắn thì thu giữ 6 giấy chứng minh nhân dân, 2 căn cước công dân, 6 thẻ ngân hàng, 6 điện thoại di động và 1 laptop.

Tại cơ quan công an, T. khai, hắn sử dụng thông tin giả tạo tài khoản facebook và tham gia nhóm “Tìm đại lý bia toàn quốc” nhằm tìm kiếm người có nhu cầu mua bia, rồi sử dụng “sim rác” liên lạc và giới thiệu là nhà cung cấp bia với giá rẻ, chiết khấu cao để tư vấn, thỏa thuận mua bán. Khi người mua đồng ý giao dịch, hắn yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản khi bia đến. Sau đó, tiếp tục tìm, đặt mua bia ở đại lý gần đó, yêu cầu vận chuyển đến nơi mà hắn đã thỏa thuận bán và hối thúc bên mua chuyển tiền.

Khi nhận được tiền, T. sẽ bỏ “sim rác”. Với thủ đoạn này, hắn đã chiếm gần 100 triệu đồng của nạn nhân ở huyện Long Mỹ. “Để qua mặt lực lượng, hắn thường xuyên thay đổi địa điểm tạm trú; chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng “rác”, nhưng nhiều ngày đêm, chúng tôi không ngủ để tìm manh mối, dấu vết dù nhỏ nhất. Cuối cùng cũng thành công”, thượng tá Nguyễn Phi Khanh, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, cho biết.

Phải nhanh hơn, tinh vi hơn

Đó là 2 trong số hơn chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà lực lượng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cùng công an địa phương phát hiện ngăn chặn, triệt phá. Qua đây cho thấy, dù tinh vi, xảo quyệt đến mấy, nhưng khi các anh bắt tay vào điều tra thì chúng không thể thoát. Bởi phương châm hành động của lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ này là “Tội phạm sử dụng công nghệ cao tinh vi một, thì cán bộ phải tinh vi mười; chúng nhanh một, thì cán bộ phải nhanh mười”.

Thực tế còn cho thấy, đây là tội phạm ẩn, ngụy trang nhiều lớp, công cụ, phương tiện khác nhau để lừa đảo, che giấu; đa dạng về độ tuổi, giới tính và hoạt động xuyên tỉnh, thành phố, biên giới, thời gian không cố định. Hơn hết, chỉ cần bị hại chuyển khoản thành công sẽ không bao giờ thu hồi được. Tội phạm cũng thường giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án,... để đe dọa; giả người thân quen nhắn tin mượn tiền hay nhắn tin thông báo trúng thưởng tài sản, hoặc tiền mặt có giá trị lớn.

Sau đó, yêu cầu bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, rồi chiếm đoạt. Các đối tượng này đều không có việc làm, sử dụng hàng chục “sim rác”, tài khoản mạng ảo, tài khoản ngân hàng “rác”. Khi lừa được bị hại, chúng nhanh chóng bỏ “sim rác”, chuyển tiền qua nhiều tài khoản nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Vì thế, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc truy vết dữ liệu điện tử, dấu vết tội phạm, xác minh thông tin.

Chưa kể, khi lực lượng yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp lịch sử cuộc gọi, các giao dịch liên quan đến hoạt động ngân hàng thường mất rất nhiều thời gian; đôi lúc phải thâu đêm tìm dấu vết, manh mối. “Có vụ chỉ 3 ngày là chúng tôi triệt phá, có vụ 3 tháng vẫn chưa xong, nhưng không vì thế mà chùn bước. Chúng tôi thường vận động, tuyên truyền anh em, khi tiếp nhận án, dù có thông tin nhỏ nhất vẫn kiên trì, đeo bám, thâu đêm để triệt phá”, thượng tá Nguyễn Phi Khanh cho biết thêm.

Vì vậy, các anh không ngừng nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đặc biệt là sớm đưa ra được dự báo về phương thức, thủ đoạn mà chúng sẽ thực hiện để có biện pháp triệt phá nhanh nhất, hiệu quả nhất. Mặt khác, tích cực phối hợp với công an địa phương có liên quan để biết nhân thân, di biến đối tượng và kiên trì phá án, cũng như tuyên truyền người dân về phương thức, thủ đoạn để chủ động phòng tránh từ sớm, từ xa.

“Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm này, chúng tôi luôn chủ động nắm tình hình hoạt động tội phạm, kịp thời tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đại tá Phan Thanh Minh, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, chia sẻ.

Tết đã cận kề, trong khi nhiều người thường xuyên quây quần bên gia đình, thì lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn tội phạm sử dụng công nghệ cao và công an địa phương luôn ngày đêm phối hợp nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng, nhằm kịp thời ngăn chặn, triệt phá tội phạm này, góp phần mang đến mùa xuân bình yên, trọn vẹn nhất cho Nhân dân. 

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>