Xuất hiện hình ảnh đầu của tổ hợp S-500 Prometheus

03/04/2018 | 15:20 GMT+7

Trong cuộc tập trận mới đây của Quân đội Nga, hoạt động của hệ thống ra-đa nhìn vòng Yenisei trong cơ cấu tổ hợp tên lửa phòng không tương lai S-500 Prometheus được tiết lộ. Hoạt động thử nghiệm thực chiến của các thành phần trong tổ hợp S-500 đã được ghi lại trong phóng sự của kênh truyền hình Rossiya-1.

Dù các thông tin liên quan tới hoạt động của hệ thống ra-đa Yenisei, cũng như các thành phần khác của tổ hợp S-500 không được tiết lộ, tuy nhiên, theo lời giới thiệu của phóng viên và chuyên gia quân sự Nga có mặt tại hiện trường, đây là dòng ra-đa mảng pha có khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu bay ở mọi độ cao khác nhau, cũng như khả năng phân biệt mục tiêu địch-ta. Quá trình làm việc của ra-đa Yenisei được tự động hóa hoàn toàn nhờ hệ thống máy tính xử lý thông tin mạnh mẽ.

Hệ thống ra-đa nhìn vòng Yenisei trong cơ cấu tổ hợp S-500 Prometheus.

Điểm đặc biệt của tổ hợp S-500, cũng như các hệ thống cấu thành là khả năng tích hợp với các tổ hợp vũ khí phòng không khác để tạo ra lưới phòng không đa tầng, đa lớp. Kết hợp giữa hệ thống ra-đa mạnh mẽ và đạn đánh chặn thế hệ mới, S-500 không chỉ có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay thông thường, mà cả các mục tiêu trên quỹ đạo Trái Đất. Hiện tại, S-500 là vũ khí phòng không duy nhất trên thế giới được đánh giá có khả năng bắn hạ các mục tiêu cơ động ở vận tốc siêu thanh.

Nga bắt đầu phác thảo ý tưởng thiết kế S-500 Prometheus hay 55R6M Triumfator-M từ giai đoạn 2002-2003 với sự tham gia của các tổ hợp thiết kế Camogerdet và Vlastelin. Tới năm 2010, Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey chính thức nhận nhiệm vụ phát triển S-500. Yêu cầu kỹ-chiến thuật chính đối với S-500 là khả năng ngăn chặn các dòng tên lửa tầm trung, tầm xa và liên lục địa của đối phương ở pha phóng giữa và cuối của quỹ đạo bay. Ngoài ra, S-500 cũng phải có khả năng ngăn chặn các dòng tên lửa hành trình, phương tiện bay siêu thanh có tốc độ đạt tới Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).

Sau khi được tiếp nhận, S-500 sẽ được tích hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa đang bảo vệ thủ đô Moscow A-135 Amur và miền Trung nước Nga.

Giới chuyên gia nhận định, S-500 có nhiều đặc điểm của tổ hợp phòng thủ tên lửa chiến thuật-chiến lược Tổ hợp vũ khí phòng không tiên tiến trên đang làm giới chức quân sự Mỹ đau đầu bởi có nó có thừa khả năng đối phó với mọi phương tiện tấn công đường không họ đang sở hữu.

“Về thiết kế, rõ ràng S-500 có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa tầm trung-cao. Phạm vi tác chiến lớn cho phép S-500 kiểm soát và bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng lớn và được sử dụng như vũ khí bắn hạ vệ tinh nếu cần. Cùng với đó, các thành phần của S-500 được đặt trên khung gầm xe vận tải đặc chủng giúp nó cơ động và khó bị phát hiện. Điều này giúp nâng cao khả năng sống sót khi bị tập kích đường không”, chuyên gia quân sự Sébastien Roblin nhận định về S-500 trên tạp chí National Interest.

Theo TUẤN SƠN (theo RIAN)/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích