Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 chỉ ra nhiều vấn đề hạn chế cần quan tâm

14/12/2020 | 17:12 GMT+7

(HGO) - Chiều ngày 14-12, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 với chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững”. Đây là công trình nghiên cứu hợp tác bởi VCCI và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) sau hơn một năm thực hiện, với sự tham gia của hơn 20 chuyên gia hàng đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực. Sự kiện này có sự tham dự của lãnh đạo một số cơ quan thuộc bộ, ngành liên quan của Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM); cơ quan sứ quán và tổ chức quốc tế, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong vùng. Về phía lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng một số sở, ngành liên quan của tỉnh. 

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tin rằng, kết quả nghiên cứu kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 sẽ tạo nền tảng, hoạch định vấn đề để phát triển tương lai cho ĐBSCL.

Nội dung báo cáo bao gồm 5 chương, trong đó tập trung vào các vấn đề then chốt như: Tổng quan nền kinh tế Việt Nam; nhìn lại 10 năm phát triển kinh tế ĐBSCL; năng lực cạnh tranh của ĐBSCL dựa trên phân tích tiềm năng điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của địa phương, các cụm ngành thế mạnh và tiềm năng của vùng như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và logistics. Từ những phân tích trên, báo cáo tập trung bàn luận về những hạn chế còn tồn tại, xác định các thách thức, cản trở sự phát triển của vùng, từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách để tiếp cận trong thời gian tới. Theo đó, một nội dung trọng tâm được rút ra từ nghiên cứu là câu chuyện di dân trở thành vấn đề nhức nhối của ĐBSCL. Cụ thể, tình trạng di cư của người dân đồng bằng về TP.HCM và miền Đông Nam bộ đáng báo động. Kết quả là so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất, từ đó đây là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0,0% trong giai đoạn 2009-2019. Ở góc nhìn khác, tăng trưởng GDP của ĐBSCL thấp hơn TP.HCM và Đông Nam bộ là do ĐBSCL được giao sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, vì vậy phải tập trung vào nông nghiệp và sản xuất lúa gạo nên kết quả là chậm chuyển dịch sang các ngành có năng suất cao hơn; trong khi các hoạt động sản xuất công nghiệp lại khá trầm lắng, năng suất lao động đạt thấp. Mặt khác, chất lượng giáo dục ĐBSCL không theo kịp các vùng miền khác, tỷ lệ bỏ học cao và trình độ học vấn của người dân khá thấp; tỷ lệ đô thị hóa của cả vùng trong 10 năm chỉ tăng nhẹ từ 22,8% lên 25,1%, trong khi cả nước tăng từ 29,6% lên 34,4%…

Cùng với việc tìm ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, báo cáo nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị mang tính tổng kết, đặc biệt gợi ý mô hình phát triển mới cho kinh tế ĐBSCL với 15 luận điểm được thiết lập mang đến cho độc giả những góc nhìn mới để định hình lại câu chuyện phát triển kinh tế ĐBSCL trong thời gian tới…

Đại diện VCCI báo cáo tóm tắt kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 tại buổi công bố kết quả nghiên cứu.

Phát biểu tại buổi báo cáo, tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo báo cáo kinh tế ĐBSCL, cho rằng: Trước nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho vùng ĐBSCL, nhất là tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, vì vậy để tìm ra định hướng chiến lược là vấn đề quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, định hướng chiến lược phải gắn giữa vùng ĐBSCL với các vùng khác trong cả nước để có sự hỗ trợ qua lại trên nhiều mặt. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, VCCI đã phối hợp với nhiều nhà khoa học thực hiện và hoàn thành báo cáo về bức tranh tổng thể cho ĐBSCL. Đây là báo cáo kinh tế vùng đầu tiên của nước ta. Trong đó, nội dung báo cáo đã phân tích sâu những mặt làm điểm nghẽn phát triển vùng ĐBSCL, đồng thời đưa ra những nhận định, giải pháp căn bản cho vùng ĐBSCL. Sau năm 2020 thì những năm tới, VCCI sẽ tập trung vào từng chủ đề cho mỗi năm để có sự chuyên sâu. Tin rằng, kết quả báo cáo bước đầu của VCCI sẽ tạo nền tảng, hoạch định vấn đề để phát triển tương lai cho ĐBSCL.

 

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>