Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

05/01/2024 | 07:15 GMT+7

Sáng ngày 4-1, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Chaleun Yiapaoher và Đoàn công tác đã làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường về công tác xây dựng tài liệu lịch sử Quốc hội; tổng hợp tư liệu về quan hệ giữa Quốc hội hai nước.

Tại cuộc làm việc, hai bên đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng tài liệu về lịch sử Quốc hội; việc tổng hợp tư liệu về quan hệ giữa Quốc hội hai nước; quan hệ hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội hai nước…

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tài liệu về lịch sử Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội (đơn vị chủ trì là Vụ Thông tin) đã phối hợp với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học lịch sử biên soạn và xuất bản Bộ sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam gồm 4 tập (giai đoạn 1946-2011, hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu biên soạn giai đoạn 2011-2026), phản ánh quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam qua các chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

Về công tác sưu tầm, tập hợp, tổng hợp tài liệu: Để giúp việc tái hiện Lịch sử Quốc hội Việt Nam một cách trung thực, chính xác, phản ánh đầy đủ, toàn diện, có hệ thống quá trình phát triển của Quốc hội qua các thời kỳ lịch sử, đòi hỏi nguồn tư liệu phải được sưu tầm, xác minh thật khoa học, chính xác, bao gồm: Nguồn tư liệu cơ bản là toàn bộ hệ thống văn bản của các kỳ họp Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Văn kiện của các nhiệm kỳ Quốc hội từ khi ra đời cho đến nay; Một số Văn kiện liên quan mang tính chất chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị…

Về phân loại và chọn lọc tài liệu: Cần xác định được tài liệu liên quan đến lịch sử Quốc hội được lưu trữ ở đâu để có kế hoạch khai thác cho phù hợp. Thông thường hồ sơ, tài liệu liên quan đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và đại biểu Quốc hội được lưu giữ tại Vụ Hành chính, Thư viện Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Vụ Thông tin… Đối với tài liệu giai đoạn trước, có thể khai thác tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, Thư viện Quốc gia. Bên cạnh đó, khá nhiều tài liệu quan trọng được các cá nhân, nhà chính trị, khoa học đang lưu giữ mà chưa được công bố và khai thác.

Để nâng cao công tác tổng hợp thông tin, tư liệu biên soạn lịch sử Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý, cần làm tốt các nội dung sau: Ưu tiên sưu tầm những tư liệu lịch sử Quốc hội còn trống, nhất là trong giai đoạn các khóa cũ, thời kỳ này do chiến tranh nên công tác lưu trữ trong các giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều tư liệu, tài liệu bị thất lạc, mất mát; rất nhiều sự kiện lịch sử trong giai đoạn này chưa được làm rõ, cần phải tiếp tục xác minh qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Đồng thời, cử cán bộ có trình độ, uy tín gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội qua các thời kỳ để trao đổi, phỏng vấn, ghi chép lại dưới dạng hồi ký để phục vụ cho công tác biên soạn. Tích cực triển khai công tác sưu tầm, xác minh tư liệu, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác lưu trữ tư liệu lịch sử, có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác biên soạn những giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, những tư liệu mới sưu tầm được, cần được tiến hành xác minh, thẩm định theo một quy trình chặt chẽ, khoa học. Trong quá trình thẩm định, nhất thiết phải tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trao đổi về các sự kiện lịch sử, về tính đảng, tính khoa học của bản thảo lịch sử với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử, các đại biểu Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ… Để bảo đảm tính chính xác của tư liệu thì con đường duy nhất là phải qua kiểm tra, đối chiếu, xác minh các sự kiện.

Liên quan đến việc tổng hợp tư liệu về quan hệ giữa Quốc hội hai nước, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào là một phần quan trọng của quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp cung cấp thông tin giúp các bạn xây dựng tài liệu về lịch sử Quốc hội Lào. Đầu mối phía Việt Nam là Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội Việt Nam (đầu mối là Vụ Thông tin) cũng sẵn sàng cung cấp thông tin, kinh nghiệm hỗ trợ các bạn trong việc xây dựng bộ tài liệu về lịch sử 50 năm Quốc hội Lào.

Đánh giá cao những ý kiến chia sẻ, trao đổi từ phía Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cho biết, đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu để các cơ quan của Quốc hội Lào thực hiện biên soạn lịch sử Quốc hội Lào 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhất trí với những góp ý cụ thể vào Đề cương lịch sử 50 năm Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cũng bày tỏ mong muốn phía Quốc hội Việt Nam tiếp tục có những chia sẻ, góp ý trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào đề xuất có thể nghiên cứu xuất bản sách về lịch sử quan hệ truyền thống giữa hai Quốc hội trong thời gian tới.

Thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Lào, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tin tưởng rằng với nền tảng quan hệ chính trị, kinh tế và tình cảm tốt đẹp giữa hai nước, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội hai nước ngày càng sâu sắc, bền chặt.

Theo QUOCHOI.VN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>