Hiểm nguy từ nghề săn mật ong ở núi Himalaya

19/03/2019 | 09:12 GMT+7

Săn mật ong là một trong những hoạt động truyền thống ở Nepal trong hàng ngàn năm qua. Hiện nay, ở một số ngôi làng vùng chân núi Himalaya, người dân vẫn bất chấp nhiều nguy hiểm để đi thu hoạch từng giọt mật quý giá của loài ong mật lớn nhất hành tinh.

Những người lớn tuổi vẫn còn duy trì việc lấy mật ong 2 lần/năm.

Nepal là quê hương của Apis labiosa - loài ong mật lớn nhất thế giới. Những con ong này làm tổ trên vách đá dựng đứng nên để lấy được mật, người dân phải đối mặt với nguy hiểm từ độ cao lưng chừng vách núi và sự hung dữ của bầy ong rừng.

Theo truyền thống, người dân tổ chức đi lấy mật ong 2 lần/năm. Khi đó, những người săn mật ong tụ họp dưới chân núi. Trước khi lên đường, họ thường tham gia nhiều nghi lễ để cầu nguyện cho chuyến đi thành công. Họ cầu nguyện, hiến tế hoa, trái cây, gạo… khác nhau tùy theo cộng đồng sống. Khi đoàn thợ săn đến nơi có tổ ong bên trên, họ dừng ở chân vách đá và gom lá, củi khô ở rừng để đốt tạo khói. Điều này sẽ làm những con ong rời tổ và bay đi. Ở trên cao, một người khác thả một thang dây xuống đến nơi bám tổ ong. Không chỉ có độ cao nguy hiểm mà những con ong vây quanh và sẵn sàng tấn công khi người thợ bắt đầu cắt và thu lấy những mảng tổ ong.

Trang phục bảo vệ của họ rất thô sơ và không phải là loại chuyên dụng, chỉ là quần áo dày hơn bình thường, khăn choàng hoặc mũ để tránh bị ong tấn công. Buổi săn mật kéo dài từ 2-3 tiếng, trung bình mang về khoảng 20 lít mật ong nếu thuận lợi. Khi lấy về làng, số mật ong đầu tiên được chia cho vài người trong làng để làm trà mật ong, số còn lại có thể đem bán, kể cả phần sáp ong.

Những năm gần đây có nhiều người biết đến hoạt động lấy mật ong và khách du lịch đến khu vực này ngày càng đông. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng mật ong cũng ngày càng cao nên hoạt động khai thác mật ong tăng lên. Những điều này làm số lượng mật và tổ ong vùng núi Himalaya giảm mạnh. Nhiều người khai thác quá số lần trong năm, khai thác hết tổ ong mà không chừa phần cho bầy ong tiếp tục tồn tại và gầy tổ mới. Do đó, các tổ chức trong và ngoài Nepal đang đề xuất nhiều giải pháp trong đó có việc giới hạn số tổ ong lấy mật, giới hạn số lần đi săn mật ong.. để bảo vệ loài ong này và môi trường sống của chúng.

THIÊN NGỌC (theo Amusing Planet)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>