Báo Hậu Giang: Điểm tin sáng

22/01/2024 | 06:00 GMT+7

Mời Quý độc giả theo dõi tin tức sáng nay: Chàng trai Việt nhận giải thưởng gần 70.000 USD của Hội Tim mạch Mỹ; Giới thiệu 150 cổ vật từ thời Lý đến đầu thế kỷ 20; Tuần lễ Áo dài Việt Nam ở Nhật Bản; Tour du xuân ngắn ngày cận Tết hút khách; Du lịch toàn cầu ước doanh thu khoảng 1,4 nghìn tỉ USD.

Chàng trai Việt nhận giải thưởng gần 70.000 USD của Hội Tim mạch Mỹ

Xuân Bách, 24 tuổi, được Hiệp hội Tim mạch Mỹ trao giải thưởng nghiên cứu trị giá gần 70.000 USD, khi bước đầu tinh chế thành công enzym để tìm cách phát triển loại kháng sinh mới.

Nguyễn Xuân Bách, quê Hải Phòng, đang là nghiên cứu sinh năm thứ ba, ngành Hóa sinh tại trường Y khoa, Đại học Duke (Mỹ). Cuối tháng 12/2023, Bách được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association - AHA) trao giải thưởng nghiên cứu trị giá hơn 67.000 USD cho đề án về phát triển một loại thuốc kháng sinh mới. Ngoài tiền thưởng, Bách trở thành hội viên (fellow) của AHA, được giới thiệu, tạo điều kiện tham gia các hội thảo khoa học, kết nối với những học giả của hiệp hội.

Trên website, Đại học Duke cho biết Hiệp hội Tim mạch Mỹ là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ lớn nhất cho các nghiên cứu về tim mạch ở Mỹ. Học bổng tiến sĩ AHA là một giải thưởng uy tín, có tính cạnh tranh cao. Trước thành tích của Bách, Đại học Duke thưởng thêm cho anh 5.000 USD.

"Với tôi, AHA không chỉ là một giải thưởng với mức hỗ trợ lớn, mà còn là sự ghi nhận của giới chuyên môn với công trình nghiên cứu mình đang thực hiện", Bách bày tỏ.

Bách đến Mỹ vào mùa thu năm 2021, sau khi hoàn thành chương trình cử nhân ngành Hóa học, Đại học Nagoya, Nhật Bản. Lúc đó, anh được 7 đại học cấp học bổng tiến sĩ, trong đó có Harvard, Cornell, Duke (Mỹ), Oxford (Anh) và British Columbia (Canada). Mức học bổng dao động 500.000-672.000 USD trong 5-6 năm (khoảng 11,5-15,5 tỷ đồng). Chàng trai Hải Phòng chọn Duke vì đây là đại học có bề dày thành tích về y sinh, phù hợp với định hướng nghiên cứu của anh.

Giới thiệu 150 cổ vật từ thời Lý đến đầu thế kỷ 20

Chiếc lá bồ đề trang trí bằng đất nung thời Lý (1009 - 1225) có tráng lớp men xanh, khắc hình cặp rồng có niên đại xưa nhất tại triển lãm.

Triển lãm chủ đề "Du xuân - Cổ ngoạn" giới thiệu 150 cổ vật từ thời Lý đến đầu thế kỷ 20, do Bảo tàng TP HCM và 21 nhà sưu tập tư nhân sưu tầm.

Hoạt động trưng bày giới thiệu các bộ sưu tập ấn tín, tượng thờ dân gian, gốm Việt Nam thời Lý - Trần - Hậu Lê - Nguyễn và pháp lam thời nhà Nguyễn. Trong đó nhiều cổ vật gốm sứ, pháp lam có hình tượng rồng được chế tác tinh xảo.

Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng há to, thân dài, da trơn và không có vảy. Ngoài ra râu và mào rồng lại uốn vào nhau, tạo nên hình ảnh giống chiếc lá bồ đề, phù hợp với thời kỳ hoàng kim của Phật giáo lúc bấy giờ.

Đến thời Lê, hình tượng rồng không nhất thiết là một con vật mình dài uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế. Mặt rồng có lông mày cùng bộ râu rậm, thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa, thể hiện sức mạnh uy quyền của bậc đế vương.

Pháp lam có xuất xứ từ phương Tây được những người thợ Trung Quốc tiếp thu, cải biến và truyền bá sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đặt Tượng cục Pháp lam để chế tác đồ pháp lam cho cung đình. Sản phẩm bao gồm các loại hình đồ gia dụng, đồ thờ cúng và trang trí kiến trúc nội, ngoại thất các cung điện.

Ngoài các đồ dùng sinh hoạt, hình tượng rồng còn được trang trí trên nhiều hiện vật khác như tượng thờ, sắc phong, gươm ở trong triển lãm. Nổi bật là thanh gươm chế tác thời Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 20 với hộp đựng có khắc hình tượng rồng.

Tuần lễ Áo dài Việt Nam ở Nhật Bản

Tuần lễ Áo dài Việt Nam đã khai mạc tại tỉnh Fukuoka - một điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của lễ hội "Xuân quê hương 2024" - ở khu vực Kyushu, miền Nam Nhật Bản. Đây là sự kiện mang tính chất giao lưu văn hóa Việt - Nhật, do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF), Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu (VTIK) đồng tổ chức.

NTK Cao Minh Tiến đem tới loạt áo dài sử dụng vải Obi - chất liệu truyền thống của Nhật Bản - chuyên để may khăn thắt lưng đi kèm kimono.

Nhà thiết kế 8X giữ phom dáng áo dài truyền thống nhưng vẫn thổi làn gió hiện đại qua những chi tiết cách điệu nhẹ nhàng.

Bên cạnh đó, anh còn pha trộn vải lụa Việt Nam và demin khỏe khoắn để tạo nên bản giao hưởng thú vị.

Cao Minh Tiến cho biết anh tự hào, xúc động khi giới thiệu bộ sưu tập áo dài tại chương trình lớn dành cho cộng đồng và mang ý nghĩa quảng bá văn hóa Việt tại Nhật, được đông đảo khán giả quê nhà cũng như nước bạn thưởng thức.

Tour du xuân ngắn ngày cận Tết hút khách

Xu hướng du lịch trước Tết nhắm vào nhu cầu muốn mua mua một số đặc sản Tết về mang đi biếu tặng cũng như trưng bày thờ cúng tổ tiên. Hơn nữa, đi du lịch trước Tết sẽ tiết kiệm giá thành hơn, tránh đông đúc thay vì đi trong hoặc sau Tết như mọi năm.

Các đơn vị lữ hành cho biết, với chi phí trọn gói ở mức giá tiết kiệm dưới 1,5 triệu đồng/người, tour đi trong vòng 1 - 2 ngày đang là điểm cộng với nhóm du khách thích sự khám phá, trải nghiệm không khí gần Tết ở các vùng miền đặc trưng.

Thời điểm này các điểm tham quan tương đối vắng, du khách có thể tận hưởng không khí yên bình, cùng người dân địa phương trải nghiệm nét sinh hoạt đặc trưng, ngắm nhìn không khí các làng nghề tất bật chuẩn bị đón Tết, bởi lúc đó mới là thời điểm thú vị nhất của Tết Việt.

Đại diện các công ty lữ hành tại miền Bắc thời điểm này cũng cho biết, các tour ngắn ngày đi Mộc Châu, đi Sapa, Điện Biên cũng vẫn đang hút khách. Đặc biệt là các điểm đến ngắm hoa, cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng mùa đông như hoa đào, hoa mai, hoa mận, hoa mơ...hay ngắm đồi chè trong sương tại Long Cốc, Phú Thọ...cũng rất hấp dẫn du khách và thời gian 1 đến 2 ngày phù hợp với nhiều người.

Du lịch toàn cầu ước doanh thu khoảng 1,4 nghìn tỉ USD

Du lịch toàn cầu ước tính kết thúc năm 2023 với 1,3 tỉ lượt khách (88% so với mức trước đại dịch) và doanh thu khoảng 1,4 nghìn tỷ USD (93% so với trước đại dịch), theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Du lịch quốc tế được dự báo phục hồi hoàn toàn mức trước đại dịch vào năm 2024, có thể đạt tăng trưởng 2% so với mức của năm 2019.

Các dự báo lạc quan dựa trên nền tảng rằng ngành du lịch tại châu Á vẫn còn rất nhiều dư địa để phục hồi trong năm 2024, đặc biệt là tại Trung Quốc – thị trường du lịch hàng đầu thế giới. Lượng du khách đến và đi từ Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc vào năm 2024 nhờ việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực và năng lực hàng không được cải thiện. Trung Quốc gần đây cũng áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của nhiều quốc gia cho đến cuối năm 2024.

Triển vọng tích cực được phản ánh trong cuộc khảo sát Chỉ số Niềm tin Du lịch mới nhất của UNWTO, với 67% các chuyên gia du lịch cho rằng năm 2024 có triển vọng tốt hơn hoặc tốt hơn nhiều so với năm 2023. Khoảng 28% chuyên gia dự báo hiệu suất năm 2024 sẽ tương tự với 2023, và chỉ 6% dự báo hiệu suất du lịch vào năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023.

Ngoài ra, các nỗ lực tạo thuận lợi cho việc đi lại và thị thực sẽ thúc đẩy du lịch tại khu vực Trung Đông và châu Phi cùng với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Các nỗ lực này hướng tới một thị thực du lịch thống nhất trong khối, tương tự như thị thực Schengen ở châu Âu.

Du lịch châu Âu sẽ tiếp tục được thúc đẩy vào năm 2024. Vào tháng 3, các nước Romania và Bulgaria sẽ gia nhập khu vực tự do đi lại ở châu Âu, hay còn gọi là khối Schengen. Nước Pháp sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa hè (Olympic) vào tháng 7 và tháng 8, dự kiến thu hút số lượng lớn khách du lịch. Nhu cầu du lịch mạnh mẽ từ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các điểm đến ở châu Mỹ và xa hơn nữa. Giống như vào năm 2023, các thị trường nguồn mạnh mẽ ở châu Âu, châu Mỹ và Trung Đông sẽ tiếp tục thúc đẩy dòng khách và chi tiêu du lịch trên khắp thế giới.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>