Giông lốc cuối mùa mưa phức tạp, khó lường

06/11/2023 | 07:20 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, giông lốc đã làm sập và tốc mái khoảng 100 căn nhà của người dân, ước thiệt hại hơn 2,3 tỉ đồng. Đặc biệt, càng về gần cuối mùa mưa thì giông lốc càng phức tạp, khó lường và mức độ thiệt hại cũng nghiêm trọng hơn.

Lực lượng công an, quân sự hỗ trợ người dân khắc khục sau khi bị giông lốc. Ảnh: D.KHÁNH

Mới đây, vào chiều tối ngày 2-11, tại ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái nhiều căn nhà của người dân. Anh Nguyễn Văn Tý, ở ấp 3, xã Thạnh Hòa, cho biết: “Mới chập choạng tối ngày 2-11, tôi đang nằm võng thấy gió mạnh quá và nhà bếp bị sập, tôi liền kêu vợ chạy vô ẵm con, nhưng chưa kịp chạy ra ngoài thì gió làm căn nhà sập luôn”. Mặc dù trước đó anh Tý đã chủ động mua 6 cọng dây kẽm để chằng néo lại căn nhà kê, cột cây, mái lá. Tuy nhiên, do cơn lốc quá mạnh, căn nhà bị xô nghiêng ngả, sau đó sập hoàn toàn. Thời điểm căn nhà bị sập, 3 thành viên của gia đình anh Tý vẫn còn bị kẹt bên trong, nhưng rất may là không ai bị thương tích.

Theo UBND xã Thạnh Hòa, cơn lốc xoáy vừa qua đã làm sập và tốc mái 10 căn nhà. Tốc mái tôn trường học và trạm y tế không còn sử dụng, đổ ngã một cây cột điện và nhiều cây cối, vườn cây ăn trái của người dân. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 500 triệu đồng. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Sau khi lốc xoáy xảy ra, huyện đã chỉ đạo lực lượng công an, quân sự cùng với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, xã hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời nhanh chóng hỗ trợ người dân để có điều kiện sửa chữa lại nhà. Về mức hỗ trợ thì tùy trường hợp, với những hộ nghèo, hộ khó khăn thì hỗ trợ khá hơn. Còn với những hộ có điều kiện thì tùy vào mức độ thiệt hại mà có sự hỗ trợ phù hợp để bà con sửa chữa lại nhà, dần ổn định cuộc sống.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Phụng Hiệp, trong 3 năm trở lại đây, các xã, thị trấn trong huyện đều có lốc xoáy quét qua địa bàn, gây thiệt hại nhiều nhà cửa của người dân. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện cũng đã ghi nhận 23 căn nhà của người dân bị sập và tốc mái, thiệt gần 1 tỉ đồng. Huyện cũng đã trích nguồn ngân sách gần 200 triệu đồng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

Qua rà soát, toàn huyện Phụng Hiệp hiện còn hơn 300 căn nhà cấp 4 nằm ở các tuyến nông thôn sâu, trên các tuyến kênh nội đồng có nguy cơ cao bị giông lốc đe dọa. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng chống thì hiện nay huyện cũng tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để từng bước xóa trắng những căn nhà này. Để khi mùa mưa đến người dân không còn sống trong cảnh lo sợ giông lốc.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có xu thế ít biến đổi nhưng có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão, đây cũng là thời kỳ bão hoạt động chủ yếu ở phía Nam và bão có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam. Bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng. Tình hình giông lốc sét, mưa lớn, mưa trái mùa có thể sẽ diễn biến phức tạp khó lường, các loại thiên tai còn lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Mưa biến đổi ngày càng bất thường hơn, cực đoan hơn, xuất hiện các đợt mưa với lượng mưa lớn hơn.

Vì vậy, các ngành, địa phương cần đa dạng hóa phương thức truyền thông để phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai tới cộng đồng phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Hướng dẫn người dân các mô hình nhà ở an toàn; xây dựng các trường học, trụ sở, cơ quan trên địa bàn kết hợp là nơi tránh trú an toàn cho cộng đồng khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình cụm tuyến dân cư vùng lũ và có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó ưu tiên nguồn lực di dời, giải tỏa các hộ dân đang sinh sống tại những nơi không đảm bảo an toàn.

Rà soát cập nhật nội dung ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới hàng năm sát với thực tế thiên tai và khả năng 4 tại chỗ. Vào mùa mưa bão, chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân thu hoạch sớm lúa, hoa màu, thủy sản… để giảm thiệt hại. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng cảnh báo sớm để người dân có thời gian chuẩn bị ứng phó, đặc biệt là công tác dự báo bão khi bão vào gần bờ khu vực ĐBSCL, trên đất liền tỉnh. Rà soát phương án sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, nhất là khu vực ven sông, ven sông kênh rạch; phương án bảo vệ công trình trọng điểm xung yếu. Khuyến cáo Nhân dân chằng chống nhà cửa, chuồng trại, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Cắt tỉa cành cây, thay thế, chằng néo các cột điện bị hư hỏng, xiêu vẹo; gia cố bảng quảng cáo, biển hiệu, công trình nhà kho, xưởng sản xuất; gia cố các nhà trạm, cột ăng ten, bổ sung kịp thời các trang thiết bị vật tư cho mạng viễn thông đảm bảo thông tin liên tục thông suốt. Triển khai hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng tránh giông lốc, sét, đặc biệt đối với người dân sống ở khu vực thường xảy ra giông lốc, sét. Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các cuộc họp dân về mức độ nguy hiểm khi thiên tai xảy ra. Hướng dẫn Nhân dân cách thức và kinh nghiệm chằng chống nhà cửa, cách lựa chọn mô hình, vật liệu xây dựng nhà an toàn...

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>