Đề án lĩnh vực văn hóa: Hay nhưng triển khai chậm...

28/05/2018 | 09:17 GMT+7

Dù còn nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng những đề án lĩnh vực văn hóa được phê duyệt đã tạo động lực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ, bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Lớp bồi dưỡng về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh.

Bốn đề án hay

Từ năm 2015 đến nay, riêng lĩnh vực văn hóa có 4 đề án được xây dựng: nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đoàn ca múa nhạc dân tộc, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang. Đây là những đề án ra đời bám sát vào quy hoạch phát triển ngành, đặc biệt là đi sâu vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.

Nếu như hai đề án đầu đi vào hoạt động chuyên sâu, nâng chất một cách có bài bản hai đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Đoàn ca múa nhạc dân tộc và Trung tâm Văn hóa tỉnh, thì hai đề án sau đi vào việc bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo và đặc sắc: Đờn ca tài tử và Aday. Đờn ca tài tử khá quen thuộc với cư dân Nam bộ, vẫn đang còn tồn tại trong cộng đồng dân cư và vẫn còn nhiều nghệ nhân với lòng nhiệt huyết và đam mê. Còn Aday là nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc Khmer, nhưng đang dần mai một, thất truyền… Đề án được triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhu cầu tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nâng cao đời sống hưởng thụ tinh thần của người dân.

Triển khai hiệu quả nhưng vẫn còn khó

Hiện tại, có hai đề án đang được triển khai một cách khá bài bản là bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử và Aday. Đã có 5 lớp bồi dưỡng cho các nghệ nhân đờn ca tài tử từ cơ bản đến nâng cao, nhằm giúp cho nhiều thế hệ nghệ nhân đờn, ca tài tử có dịp gặp gỡ, giao lưu, trau dồi và hiểu sâu hơn về nghệ thuật đờn, ca. Nghệ nhân Kim Khéo (Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang), chia sẻ: “Tôi được các nghệ nhân truyền dạy nhiều kiến thức chuyên sâu rất hay. Có khi có những điệu trước đây mình hát do nghệ nhân đờn dạy, nhưng giờ thì mình hiểu rõ và có cách thể hiện vừa đúng, hay lại thể hiện được cảm xúc của mình. Tôi có hai đứa cháu hơn 10 tuổi cũng theo học lớp tập huấn, hy vọng sẽ là lớp kế thừa đầy hứa hẹn, hiểu đúng và sâu về nghệ thuật độc đáo của dân tộc”.

Mới đây, lớp bồi dưỡng công tác truyền dạy phương pháp trình diễn cơ bản về nghệ thuật hát Aday đã được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Hậu Giang do Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp tổ chức. Lớp học đã tạo nhiều hứng khởi cho các em học sinh khối 10 và 11 của trường.

Các đề án được phê duyệt đã tạo điều kiện cho ngành văn hóa nâng cao chất lượng hoạt động với từng loại hình nghệ thuật riêng. Tuy nhiên, cái khó chính là kinh phí không được phê duyệt kèm theo, nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Từ đó, chỉ tổ chức được những lớp tập huấn và kinh phí được duyệt cho từng lớp theo chương trình đào tạo chung hàng năm của Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Riêng hai đề án nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ca múa nhạc dân tộc và Trung tâm Văn hóa tỉnh sau hơn 1 năm được phê duyệt vẫn chưa triển khai được. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Chưa triển khai được cũng do không có kinh phí. Hiện nay, các đơn vị này đang chuẩn bị sáp nhập nên có sẽ sau khi sáp nhập, chúng tôi sẽ nghiên cứu để xây dựng một đề án mới trên nền hai đề án cũ để sát với thực tế”.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>