Lan tỏa tình yêu Thủ đô từ một giải thưởng

11/10/2023 | 08:15 GMT+7

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, do Báo Thể thao và Văn hóa và gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thành lập từ năm 2008, để trao cho các tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có giá trị khoa học, nghệ thuật cao, thể hiện tình yêu Hà Nội nồng nàn, góp phần làm cho Hà Nội vốn đã đẹp, càng đẹp hơn.

NSND Đặng Nhật Minh và tác phẩm điện ảnh mới nhất của ông về Hà Nội: “Hoa nhài”.

Giải thưởng nhằm tôn vinh cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông - họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, trải qua 16 năm, giải thưởng đã khẳng định giá trị và sức lan tỏa. Có hàng trăm tác giả, nhà nghiên cứu về Hà Nội với những sản phẩm nghệ thuật, công trình có tầm, có sức ảnh hưởng sâu rộng. Nhiều tác giả, tác phẩm tham gia giải đã trở thành biểu tượng, nét văn hóa độc đáo, là điểm hẹn riêng của Thủ đô với bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, đã cổ động, khích lệ các hoạt động đẹp về tình yêu Hà Nội của người dân, góp phần xây dựng, nâng tầm đời sống văn hóa của người dân Thủ đô.

Có thể điểm lại một số dự án, công trình có tầm ảnh hưởng lớn, như dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng của nghệ sĩ Nguyễn Thu Thủy và nhóm cộng sự, bộ sách 1.000 câu hỏi đáp về 1.000 năm Thăng Long của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, công trình khảo cứu về lịch sử văn hóa Thăng Long Hà Nội của nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán, bộ ảnh tư liệu quý về thành Cổ Loa Hà Nội của Tiến sĩ Olivier Tessier. Một số nhà văn hóa, nhà giáo, nhạc sĩ đã đạt giải thưởng quan trọng nhất, có thể kể đến nhà văn Tô Hoài, Nhà giáo Nhân dân - Giáo sư Phan Huy Lê, nhà văn hóa Hữu Ngọc, nghệ sĩ guitar Văn Vượng, nhạc sĩ Phú Quang... Những sản phẩm của họ về Hà Nội đã làm cho Hà Nội vốn đã đẹp, lại càng đẹp hơn, xứng danh mảnh đất ngàn năm văn hiến...

Năm nay, giải thưởng tiếp tục được đánh giá là có chất lượng, với sự tham gia của giới chuyên môn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ... Tất cả đều nhất quán thể hiện một tình yêu Hà Nội không chỉ bằng lời, mà bằng những công trình, sản phẩm đã góp phần thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô. Các tác phẩm, tác giả được đề cử ở nhiều lĩnh vực, từ điện ảnh, văn học, nhiếp ảnh đến kiến trúc, lễ hội du lịch... Đặc biệt, có người nước ngoài tham gia và đã được vinh danh, chứng tỏ sức lan tỏa sâu rộng của một giải thưởng, vượt qua khỏi biên giới quốc gia để tiếp tục lan tỏa...

Giải thưởng có 4 hạng mục: Giải thưởng Lớn, Giải Việc làm, Giải Ý tưởng và Giải Tác phẩm. Trong đó, Giải thưởng Lớn là quan trọng nhất. Đây là giải dành cho người có những cống hiến xuất sắc, cho Hà Nội bằng những tác phẩm điện ảnh và văn học thấm đẫm giá trị lịch sử và nhân văn. Những cái tên nhận được giải thưởng lớn những năm trước, có thể kể đến: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014), nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nhà nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà nghiên cứu Hữu Ngọc (2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm (2018), nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ (2019), nhạc sĩ Phú Quang (2020), nhạc sĩ Hồng Đăng (2021), đạo diễn Trần Văn Thủy (2022).

Năm nay, NSND Đặng Nhật Minh đã vinh dự nhận giải thưởng quan trọng nhất: Giải thưởng Lớn. Nhắc đến ông, những ai yêu điện ảnh đều biết ông là một cây đại thụ của điện ảnh Việt đương đại, đóng góp vào kho tàng điện ảnh Việt những tác phẩm đi cùng năm tháng. Trong đó, phải kể đến loạt tác phẩm kinh điển, thể hiện tình yêu Hà Nội sâu đậm, như: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Thương nhớ đồng quê”, “Trở về”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt”, “Hoa nhài”...

Chủ đề Hà Nội phần lớn xuất hiện trong tác phẩm và được ông khai thác đều xuất hiện và được ở nhiều góc độ, từ thời cuộc đến con người. Dấu ấn Hà Nội trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp từ văn chương đến điện ảnh của Đặng Nhật Minh. Ông từng chia sẻ trên báo giới, Hà Nội với ông như người ruột thịt, dù ông là người gốc Huế, đã sống gần trọn cuộc đời, từ lúc trưởng thành đến hôm nay ở Hà Nội. Nơi đây đã hình thành nên người nghệ sĩ, người làm điện ảnh... Hà Nội đã chứng kiến ông trưởng thành và ông cũng tường tận nhiều sự đổi thay của mảnh đất này. Từ sự gắn bó, thấu hiểu, bằng tình yêu Hà Nội trong sâu thẳm tâm hồn, hình bóng Thủ đô đã trở về trọn vẹn trong những tác phẩm của ông. Làm phim về Hà Nội, theo ông, quan trọng nhất là nói lên được cái bên trong con người Hà Nội, khẳng định vẻ đẹp tâm hồn và mạch chảy bên trong con người Hà Nội, được lưu truyền là tính nhân văn...

Ngoài Giải thưởng Lớn được trao cho NSND Đặng Nhật Minh, các giải khác: Giải Tác phẩm được trao cho cuốn sách “Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ” của Hồ Công Thiết (1952-2023) và triển lãm “Hanoi Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting” (Hà Nội 1985-2015: Những năm tháng bị lãng quên) của William E. Crawford. Giải Ý tưởng được trao cho đề xuất “Chủ trương và các bước chuẩn bị tích cực của thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Giải Việc làm trao cho “‘Festival Thu Hà Nội - Đến để yêu lần đầu tiên”, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức.

 

THẢO HƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>