Ngày hội của tình đoàn kết

20/11/2017 | 08:36 GMT+7

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ tại Bạc Liêu tuy chỉ diễn ra trong 3 ngày, nhưng từ các hoạt động lớn đến nhỏ đều thắm tình đoàn kết, góp phần tôn vinh, giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ.

Tục “Vào bóng mát và rời bóng mát” được đơn vị thành phố Cần Thơ tái hiện tạo ấn tượng. Ảnh: THU THỦY

Để có được ngày hội thành công, Ban tổ chức đã chuẩn bị trong khoảng thời gian khá dài, từ khi nhận đăng cai tổ chức vào năm 2014.

Đủ để cảm nhận nét văn hóa độc đáo

12 tỉnh, thành Nam bộ có đồng bào Khmer sinh sống đã mang về ngày hội nhiều sắc màu văn hóa đa dạng. Cuộc sống của đồng bào dân tộc với những nét văn hóa riêng trong đời sống được tái hiện qua các lễ hội dân gian được sân khấu hóa, qua các tiết mục ca, múa mang đặc trưng riêng cùng với trang phục truyền thống được gìn giữ và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không gian văn hóa đặc thù riêng của từng tỉnh, thành với việc triển lãm, giới thiệu các hiện vật là nông cụ, nhạc cụ, nghề truyền thống, gắn liền với đời sống người dân vùng lúa nước độc đáo này đã giúp người xem nhìn một cách bao quát cuộc sống của người dân Khmer qua bao đời, để thấy được nét văn hóa độc đáo là sự kết tinh một cách đầy đủ, cô đọng, gìn giữ và lưu truyền từ nhiều đời để tạo nên một sắc thái, phong văn hóa riêng khó hòa lẫn.

Nét văn hóa đặc sắc còn được thể hiện qua ẩm thực với cách chế biến đơn giản, không cầu kỳ và cũng không dễ nếm thử ngay lần đầu, nhưng khi đã ăn được, thì hương vị của nó sẽ làm mọi người nhớ mãi. Đó là hương vị thơm lừng của cốm dẹp, bánh dứa. Đó là vị đậm đà của mắm bò hóc để chế biến món bún nước lèo đặc trưng, hay tung lò mò (lạp xưởng bò) béo ngậy đậm đà, hương vị thơm thoang thoảng, ngọt thanh mát của trái thốt nốt, trái quách làm say mê những ai một lần thưởng thức. Hàng trăm món ăn được những nghệ nhân thực hiện với tất cả tình yêu, tâm huyết, mong muốn giới thiệu để mọi người cùng thưởng thức, cùng cảm nhận trọn vẹn hương vị và hiểu vì sao nó vẫn tiếp tục tồn tại, dù chịu sự tác động giao thoa của những nền văn hóa khác trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Ngày hội rộn ràng nhưng không quá dài, đủ để mọi người cảm nhận được nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Đây còn là dịp để bà con được giao lưu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó ban Chỉ đạo, Trưởng ban Tổ chức ngày hội, chia sẻ: “Thời gian cao điểm cho công tác chuẩn bị là hơn 2 tháng. Chúng tôi đã thành lập 4 tiểu ban, phân công, phân nhiệm vụ cụ thể từng phần việc, có kiểm tra, giám sát và giải quyết những khó khăn kịp thời; đồng thời rà soát hệ thống nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ cùng các điểm du lịch trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu ngày hội với quy mô lớn này. Đây còn là dịp để giới thiệu du lịch Bạc Liêu, tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách. Bạc Liêu đã tổ chức nhiều sự kiện lớn nên đúc kết nhiều kinh nghiệm trong khâu chuẩn bị chu đáo, tổ chức phục vụ tận tình, hiệu quả, nên các hoạt động đạt chất lượng như kế hoạch đề ra”.

Hội thao thắm tình đồng bào

Trong 3 ngày qua, các môn thể thao đã góp một phần không nhỏ tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi tại ngày hội. Nếu như các hoạt động văn hóa, văn nghệ gợi cho người xem những hiểu biết về phong tục, tập quán, nét riêng của người Khmer thì việc kéo dài chuỗi hoạt động bằng thi đấu thể thao đã làm nên một chỉnh thể đầy đủ cho ngày hội.

Những môn thi đấu đều được Ban tổ chức khéo léo lựa chọn mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Khmer như đua ghe ngo, đẩy gậy, kéo co,… mà ở đó có điểm chung là cần sự đoàn kết và phô diễn sức mạnh của tập thể. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer. Hàng ngàn vận động viên đến từ 12 tỉnh, thành phố có đồng bào Khmer sinh sống ở khu vực Nam bộ cùng hội tụ đã làm nên một bức tranh đa dạng, ấn tượng về màu sắc cho ngày hội. Đây là dịp để giao lưu, học hỏi và tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào dân tộc Khmer. Theo chia sẻ của nhiều vận động viên đến từ một số đoàn như Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang,… họn đều cảm thấy vui và phấn khởi khi tham gia ngày hội bởi không khí rất rộn ràng. Dù bận nhiều công việc gia đình nhưng ai cũng hăm hở tham gia và quyết tâm thi đấu thật tốt. Đoàn Hậu Giang đã thi đấu tích cực, với quyết tâm cao. Trong đó, kéo co nam nữ phối hợp giành được huy chương bạc, đua ghe ngo nữ 600m giành huy chương đồng, đua ghe ngo 800m nữ giành huy chương bạc, đẩy gậy giành 4 huy chương bạc, 2 huy chương đồng…

Ngày hội diễn ra tại Bạc Liêu nhận được những phản hồi tích cực từ phía các đơn vị bạn. Ông Nguyễn Phúc Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hậu Giang, nhận xét: “Ban Tổ chức có sự chuẩn bị tốt về khâu tổ chức, hỗ trợ nhiệt tình cho các đoàn tham gia. Các hoạt động thi đấu thể thao đều đảm bảo diễn ra đúng thời gian, tiến độ, giúp vận động viên có sự chủ động, hiệu quả và chất lượng thi đấu cũng được nâng lên”. Dù đa phần là những vận động viên không chuyên, thường ngày phải gắn bó với những công việc gia đình, với mảnh ruộng, liếp dưa, hay là sinh viên, học sinh, cán bộ, công chức,… dù ở vị trí nào thì họ luôn thi đấu trên tinh thần học hỏi, văn minh và mang tính chuyên nghiệp cao. Theo đánh giá, công tác tổ chức thi đấu tại ngày hội diễn ra khá bài bản, chặt chẽ; lực lượng đảm bảo công tác an ninh, trật tự luôn túc trực; nhân viên y tế, xe cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết,… Đặc biệt, điều kiện cơ sở vật chất và sân bãi thể thao phục vụ thi đấu đạt chất lượng, đáp ứng tốt cũng như phù hợp với nhu cầu thực tế.

Bạc Liêu đã tổ chức ngày hội ấn tượng, độc đáo, đặc sắc đạt kết quả ngoài mong đợi. Đêm khai mạc và bế mạc đã có hàng chục ngàn người dân từ các nơi về xem, cũng đã thấy rõ quy mô của hoạt động và kỳ công sắp xếp, chuẩn bị của Ban tổ chức. Chính sự chủ động, chu đáo, hiếu khách và nhiệt tình đã góp phần tạo nên ngày hội thật sự thành công để lại nhiều ấn tượng đẹp đậm nét trong lòng người đến về một Bạc Liêu mến khách!

Thích thú với lễ hội, tục lệ lạ

Người xem chỉ thật sự thích thú với những lễ hội lần đầu được giới thiệu trên sân khấu, như lễ hội “Phá bàu bắt cá” của đồng bào Khmer Bình Phước hay tục “Vào bóng mát và rời bóng mát” (Chôl mlôp và Chênh mlôp) của đồng bào Khmer ở Cần Thơ để rèn luyện cho thiếu nữ Khmer chín chắn, trưởng thành hơn, để trước khi lấy chồng, xây dựng cuộc sống mới… Đây là những lễ hội, tục lệ lần đầu được tái hiện tại ngày hội, mang đến những cảm nhận đặc biệt với nét văn hóa rất riêng của đồng bào Khmer Nam bộ.

 

Bài, ảnh: THỦY NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>