Chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc

22/07/2024 | 06:14 GMT+7

(HG) - Nhấn mạnh tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố vào cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định: Chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển nhân lực số, công dân số; phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin cho, chống tiêu cực tham nhũng trong chuyển đổi số.

Trong quá trình thực hiện phải mạnh dạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; tăng tốc bứt phá với khí thế tiến công mạnh mẽ với tinh thần “5 đẩy mạnh, 5 đảm bảo gắn với 5 không”...

Theo đánh giá quốc tế, xếp hạng dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đạt 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp thứ 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020; giữ nguyên thứ hạng là 6/11 quốc gia về Chính phủ điện tử tại khu vực Đông Nam Á. Hai năm liên tiếp 2022, 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam đứng thứ 1 khu vực ASEAN.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ cả nước đạt trên 55%, hiệu quả phục vụ đạt 43%. 98% các cơ quan gửi, nhận văn bản điện tử và 80% lãnh đạo các cấp đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng cá nhân.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp. Lực lượng lao động ngành công nghiệp CNTT hiện trên 1,5 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép đạt 87,08%. Đến cuối năm 2023, Bộ Công an cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chip; kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận)…

Về Đề án 06, vẫn còn 51 nhiệm vụ chậm tiến độ, chưa chuyển biến, do một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng, chưa bám vào 5 nguyên tắc để quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Vai trò tham mưu, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện của các bộ, ngành, địa phương chưa được duy trì.

MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>