Kinh tế số chuyển mình mạnh mẽ

19/07/2024 | 09:42 GMT+7

Sáu tháng đầu năm, kinh tế số Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đây là nền tảng, động lực quan trọng để thúc đẩy lĩnh vực này ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Kinh tế số được xác định là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyển mình mạnh mẽ

“Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” là chủ đề Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lựa chọn. Qua đó, khẳng định vị trí quan trọng của kinh tế số và sự kỳ vọng của nước ta đối với những đóng góp của lĩnh vực này vào sự phát triển chung.

Để tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển, trong 6 tháng đầu năm, Quốc hội đã thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành 10 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 quyết định và 2 chỉ thị; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành gần 20 văn bản quy định, hướng dẫn về chuyển đổi số, trong đó có kinh tế số. Đáng chú ý là Chính phủ đã thông qua và đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Dữ liệu, với nhiều chính sách quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển.

Trong bối cảnh các thể chế, chính sách đang được quan tâm, hoàn thiện, 6 tháng đầu năm, kinh tế số Việt Nam tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. So với cùng kỳ năm ngoái, thương mại điện tử ước đạt mức tăng trưởng là 49%, với tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến đạt trên 97 nghìn tỉ đồng (tăng 80%), với hơn 1.096 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công (tăng 67%)… Theo đó, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng mạnh cả về số lượng lẫn giá trị.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: “Thời điểm này, cùng với chủ trương chuyển đổi số toàn diện từ Chính phủ, các hạ tầng số có liên quan như dịch vụ logistics thông minh, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, xác thực định danh điện tử,… đều đang có sự chuyển mình nhanh chóng trong những năm qua. Theo nhận định của chúng tôi, đây là thời điểm “chín muồi” để cùng chung tay tiến hành một cuộc chuyển đổi toàn diện cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam”.

Thống kê 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế số đạt khoảng 22,4%. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP 6 tháng ước đạt 18,3%. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt hơn 1,9 triệu tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

 Cả nước hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Đặc biệt, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển và trí tuệ nhân tạo,... đã cam kết đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, cho thấy triển vọng của lĩnh vực này.

Kỳ vọng phát triển

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung phát triển kinh tế số với nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GRDP của thành phố này là 21,5%, tăng 2,84% so với năm 2022. Thành phố đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 25% vào GRDP. Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất trong nhóm ngành dịch vụ.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Để có được kết quả trên, thời gian qua, chúng tôi đã tập trung nhiều giải pháp như chủ động nghiên cứu phương pháp đo lường chỉ số kinh tế, đóng góp vào GRDP cấp tỉnh. Tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để xác định phương hướng, giải pháp và lĩnh vực cần thúc đẩy để phát triển kinh tế số. Xác định 8 ngành, lĩnh vực để thúc đẩy chuyển đổi số gắn với các mục tiêu góp phần phát triển kinh tế số thành phố. Kiên trì tổ chức xây dựng dữ liệu số của các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân thành phố,...”.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt 20% (đến nay đã đạt 16,5%); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% (đến nay đạt 6,58%);.... Để đạt được kết quả trên, nước ta cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, tập trung phát triển kinh tế số thời gian tới.

Tại Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, yêu cầu: Nước ta cần tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số. Riêng trong tháng 7 này, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp, thống nhất nội dung với các bộ, ngành liên quan, khẩn thương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030”; Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Tổng cục Thống Kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố số liệu tỷ trọng kinh tế số trong GDP hàng năm theo đúng quy định...

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về kinh tế số, sẽ thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn nữa để tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng mà nước ta đặt ra.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP 6 tháng ước đạt 18,3%

Cả nước hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Thống kê 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế số đạt khoảng 22,4%. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP 6 tháng ước đạt 18,3%. Tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp CNTT ước đạt 1.928.311 tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

 

ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>