Định hướng mới cho công tác quản lý và phát triển đô thị

30/01/2023 | 09:00 GMT+7

Nghị quyết số 148 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra các định hướng mới mang tính chiến lược cho công tác quản lý và phát triển đô thị với các nhiệm vụ và giải pháp bao quát, toàn diện nhằm quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Đô thị Vị Thanh ngày càng phát triển.

Đô thị tăng nhanh về số lượng, chất lượng

Sau hơn 19 năm thành lập tỉnh, hệ thống đô thị ở Hậu Giang tăng khá nhanh về số lượng, chất lượng. Đến nay, tỉnh đã có18 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 15 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt ước đạt 29,75%. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng, tập trung đầu tư, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh ĐBSCL. Thị trường bất động sản phát triển khá tốt, nhiều dự án được triển khai, đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị; các dự án thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu; diện tích sàn nhà ở khu vực đô thị bình quân đạt 25,3m2/người. Phát triển đô thị là một yêu cầu tất yếu, quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức triển khai và quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 104 về thực hiện Nghị quyết số 06 và UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch để thực hiện Chương trình 104 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 148 của Chính phủ, tỉnh sẽ tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi Nghị quyết đến các tổ chức, cơ quan, Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc nội dung, chủ động lồng ghép các quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 06 và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động này trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình có liên quan để tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 06 trên địa bàn tỉnh.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh về phát triển đô thị là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện các quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh trở thành động lực phát triển là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Đổi mới tư duy và phương pháp quy hoạch đô thị; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển các đô thị mới; chú trọng tổ chức lại đời sống dân cư và bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị. Tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Xử lý nghiêm đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Tất cả các nhà đầu tư đến Hậu Giang đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận ưu đãi, nguồn vốn. Tỉnh định kỳ tổ chức đối thoại doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, họp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Tỉnh cũng công khai minh bạch các chương trình, dự án tất cả các lĩnh vực; các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận.

Góp phần đưa Nghị quyết 06 đi vào cuộc sống

Phát biểu tại Hội nghị đô thị toàn quốc, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào cuộc sống, ngày 11-11-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam.

Theo đó, đến năm 2030, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế hóa chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị...

Và tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, quan điểm chỉ đạo và nội dung Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06 đã đưa ra các định hướng mới mang tính chiến lược cho công tác quản lý và phát triển đô thị với các nhiệm vụ và giải pháp hết sức bao quát, toàn diện nhưng cũng rất cụ thể nhằm quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững trong những năm tới. Đô thị Việt Nam sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu bền vững trong giai đoạn tới.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>