Kêu gọi sự chung tay phòng bệnh của cộng đồng

15/10/2018 | 08:22 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng (TCM) diễn biến phức tạp thời gian gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ra quân thực hiện chiến dịch phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút zika, bệnh TCM đợt III năm 2018, từ ngày 10 đến 12-10, nhằm kêu gọi cộng đồng tham gia phòng, chống dịch bệnh và tạo một môi trường tốt để phòng bệnh.

Cán bộ đi tuyên truyền tại nhà hộ dân xã Long Thạnh.

Xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, là một trong những địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp thời gian gần đây, chiến dịch diễn ra ở tất cả các ấp của xã, các cán bộ hội, ngành, đoàn thể và cán bộ y tế xã đã lập đoàn đến từng nhà dân để tuyên truyền vận động mọi người thực hiện các giải pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, TCM,  bệnh do vi-rút zika. Ông Võ Văn Đương, Bí thư ấp Trường Khánh 2, xã Long Thạnh, cho biết: “Ấp có 345 hộ dân, chúng tôi đã đi đến từng nhà hộ dân để tuyên truyền, vận động. Qua thực tế đi tuyên truyền, cán bộ đã hướng dẫn người dân về cách phòng bệnh sốt xuất huyết, bệnh TCM, vận động người dân diệt muỗi, diệt lăng quăng, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chăm sóc trẻ sạch sẽ, vệ sinh dụng cụ, đồ chơi của trẻ để phòng bệnh TCM và sốt xuất huyết”.

Thực tế tại nhà các hộ dân ở ấp này vẫn còn tình trạng người dân chưa quan tâm đậy kín các dụng cụ chứa nước, đặc biệt là các dụng cụ dùng để rửa tay, rửa chân hàng ngày. Qua kiểm tra của cán bộ y tế, một số dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Ông Phùng Hoàng Vũ,  Trưởng trạm Y tế xã Long Thạnh, cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra từng nhà người dân, một số hộ dân vẫn chưa quan tâm thực hiện các giải pháp phòng bệnh, dụng cụ chứa nước vẫn có lăng quăng, kiến thức của người dân đã có nhưng việc thực hành còn hạn chế, một số trường hợp nghĩ bệnh chỉ xảy ra ở người khác chứ không xảy ra ở gia đình mình nên thiếu quan tâm. Đây là vấn đề khó khăn trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh ở địa phương”.

Tại nhà của bà Hà Thị Điệp, ở ấp Trường Khánh 2, qua kiểm tra có 2 dụng cụ chứa nước có lăng quăng. Chia sẻ lý do, bà Điệp nói: “Tôi có nghe nói về bệnh sốt xuất huyết, bệnh TCM và biết diệt lăng quăng sẽ phòng được bệnh sốt xuất huyết. Nhưng do mới cất nhà lu bu nên chưa quan tâm kiểm tra lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước. Nghe cán bộ tuyên truyền,  chúng tôi sẽ đổ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng và đậy kín để phòng bệnh tại nhà mình”. Nhà của ông Nguyễn Văn Thế gần đó cũng tương tự, mấy dụng cụ chứa nước để rửa tay, chân có lăng quăng. Gia đình ông Thế không có đậy nắp lại, cán bộ kiểm tra cũng đã đổ lăng quăng tại chỗ. Theo ông Thế do chưa để ý nên chưa thường xuyên kiểm tra lăng quăng trong những dụng cụ chứa nước.

Ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, thời điểm từ ngày 10 đến 12-10 cũng ra quân chiến dịch phòng, chống dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Hoàng Khởi, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống dịch chủ động, Trạm Y tế xã Đông Phước A: “Địa phương cũng thực hiện đi đến từng hộ dân tuyên truyền về kiến thức phòng bệnh và kết hợp kiểm tra lăng quăng, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân”. Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh ở xã đã giảm so với tháng 9. Đây cũng là một trong những địa phương có tình hình bệnh TCM diễn biến phức tạp thời gian qua. Ông Khởi mong muốn qua chiến dịch có thể nâng cao được nhận thức của người dân về các loại dịch bệnh trên và đặc biệt xây dựng ý thức người dân thường xuyên thực hiện các giải pháp phòng bệnh, khống chế không để bệnh gia tăng trên địa bàn xã.

Theo chia sẻ của ông Trần Vũ Thành, cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống dịch chủ động, Trạm Y tế xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp: “Ngoài đi đến các nhà hộ dân để tuyên truyền, thì  cán bộ y tế còn tuyên truyền ở các trường học, đặc biệt là trường mẫu giáo. Tuyên truyền cho thầy cô giáo, phụ huynh học sinh tăng cường các giải pháp phòng bệnh ở trường học. Những tháng đầu năm trên địa bàn xã đã có 10 cas bệnh TCM, tăng 3 cas và 10 cas bệnh sốt xuất huyết, tăng 4 cas so với cùng kỳ. Bệnh TCM tập trung mắc ở trẻ dưới 3 tuổi, vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền để kêu gọi mọi gia đình thực hiện các giải pháp phòng bệnh bên cạnh việc tổ chức phòng bệnh của ngành chức năng. Sự tham gia phòng bệnh của cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng trong  phòng, chống các loại dịch bệnh này”.

Tính đến ngày 10-10, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 188 cas bệnh sốt xuất huyết, 310 cas bệnh TCM. Ngành chức năng đang tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và khẳng định có sự chung tay thực hành các giải pháp phòng bệnh của cộng đồng sẽ góp phần quan trọng khống chế không để dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>