Truyền thông - “Cầu nối” để phát triển người tham gia bảo hiểm

22/04/2022 | 06:58 GMT+7

“Với tinh thần chủ động, nỗ lực, luôn xác định truyền thông phải “đi trước một bước”, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông nên công tác phát triển người tham gia tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận”, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 trong toàn ngành vừa được tổ chức.

Công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT luôn được Hậu Giang đẩy mạnh.

“Chìa khóa” quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ thông tin, truyền thông năm 2022 trong toàn ngành, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, những năm qua, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác truyền thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Theo đó, ngành BHXH Việt Nam luôn bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện, thực hiện linh hoạt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh truyền thông BHXH, BHYT trong cả nước. Năm 2021, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch, song với tinh thần chủ động, nỗ lực, luôn xác định truyền thông phải “đi trước một bước”, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm chủ thể và tình hình diễn biến dịch bệnh nên công tác phát triển người tham gia tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Số người tham gia BHXH tự nguyện đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao). BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân với tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số (đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng ngành đã hoàn thành trong năm 2021 theo chỉ tiêu kế hoạch chính phủ giao). Tính đến hết quý I/2022, số người tham gia BHXH là trên 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó có: trên 15,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, trên 1,28 triệu người tham gia BHXH tự nguyện). 

Để đạt được kết quả trên, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh khẳng định và đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, sáng tạo của BHXH các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc cũng như công tác truyền thông của Trung tâm truyền thông (BHXH Việt Nam) đã không ngừng được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp, thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, lợi ích, giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT.

Trong năm 2021, cả nước đã có trên 31.000 tin, bài, phóng sự,… truyền thông về chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức trên 72.000 hội nghị truyền thông, khách hàng, tư vấn, đối thoại, truyền thông nhóm nhỏ, hơn 730.000 lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở… Tính đến hết quý I/2022, đã có khoảng 14.870 hội nghị truyền thông, trên 6.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục… được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương; gần 900 tin, bài, văn bản được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam…

Tiếp tục đổi mới toàn diện

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đề nghị, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa truyền thông tại cơ sở; tiếp tục rà soát, phân nhóm chủ thể truyền thông cụ thể để xây dựng kế hoạch, kịch bản truyền thông chi tiết theo từng nhóm đến tận xã, phường và triển khai các giải pháp truyền thông phù hợp, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục tăng cường truyền thông theo chiều sâu; truyền thông phải gắn với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác truyền thông ngày càng tốt hơn để tiếp tục đưa chính sách BHXH, BHYT ngày càng đi vào cuộc sống.

Song song đó, đội ngũ cán bộ truyền thông các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được phổ biến, tập huấn vào việc triển khai các hoạt động truyền thông tại đơn vị, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác truyền thông phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022 và các năm tiếp theo…

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2021 cả nước đã có trên 31.000 tin, bài, phóng sự,… truyền thông về chính sách liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức trên 72.000 hội nghị truyền thông, khách hàng, tư vấn, đối thoại, truyền thông nhóm nhỏ, hơn 730.000 lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, khoảng 429.000 sản phẩm truyền thông được truyền thông trên mạng xã hội…

Tính đến hết quý I/2022, đã có khoảng 14.870 hội nghị truyền thông, trên 6.000 tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục… được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương; gần 900 tin, bài, văn bản được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam; trên 206.600 lượt phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; hơn100 cuộc ra quân truyền thông, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình quy mô cấp tỉnh, cấp huyện; trên 160.100 sản phẩm truyền thông (tin, bài, video, phóng sự,...) được đăng tải, chia sẻ trên trang fanpage, zalo, youtube của BHXH các tỉnh và công chức, viên chức, người lao động...

 

Theo BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>