Hậu Giang phải đi nhanh hơn nữa

10/10/2023 | 18:22 GMT+7

Đó là mong muốn của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang vào ngày 10-10. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã có những chia sẻ, đánh giá sát hợp về tình hình phát triển của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đồng thời có những chỉ đạo, định hướng và gợi mở nhiều vấn đề mà Hậu Giang cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để đạt được sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thông tin với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các thành viên trong đoàn công tác của Quốc hội tại buổi làm việc kể trên, lãnh đạo tỉnh cho biết từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Hậu Giang ghi nhận sự phát triển ấn tượng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thứ 2 từ trái sang), chứng kiến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trao tượng trưng 5 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn bức xúc về nhà ở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: QUOCHOI.VN

Quyết tâm cao, nỗ lực lớn

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, cầm quyền của Đảng với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều đổi mới. Nâng cao năng lực, chất lượng cụ thể hóa, ban hành kịp thời, đồng bộ các nghị quyết, chương trình, đề án sâu sát, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Xác định và tập trung các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đem lại hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng.

Hoạt động của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm đổi mới, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Tổ chức kịp thời, linh hoạt, chất lượng, chưa có tiền lệ nhiều kỳ họp với tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao; bám sát yêu cầu thực tiễn, các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kịp thời ban hành quyết nghị nhiều chính sách quan trọng phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động ngày càng thực hiện có hiệu quả về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu trong công tác lập pháp, giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân.

Còn ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chia sẻ thông tin đáng phấn khởi là tỉnh liên tục có tốc độ tăng trưởng bứt phá, cao hơn khu vực và cả nước. Năm 2021 đạt 3,28%; năm 2022 đạt 13,94%, đứng thứ tư cả nước; 9 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước, đạt 13,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, đến nay khu vực II chiếm 35,98% trong cơ cấu. Nguồn thu ngân sách địa phương gia tăng đáng kể.

Công tác xúc tiến đầu tư, đối thoại, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư được quan tâm; các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm được giải quyết. Tỉnh đã chủ động chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn đối với nhiều doanh nghiệp, thông qua các hoạt động thăm hỏi trực tiếp và họp mặt cà phê doanh nhân định kỳ của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Qua đó, đến nay các doanh nghiệp sản xuất đang được phục hồi.

Đặc biệt là giai đoạn 2021- 2025, riêng khu vực Nam Sông Hậu có 2 tuyến cao tốc đang được đầu tư, với khoảng 300km (gồm tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng), trong đó qua tỉnh Hậu Giang hơn 100km. Về triển khai 2 dự án đường cao tốc, đã khởi công xong các gói thầu; riêng phần của tỉnh làm chủ đầu tư, còn 1 gói thầu đang chuẩn bị khởi công. Việc khó khăn về thiếu cát, tỉnh đã cùng với các nhà thầu làm việc với các tỉnh, hiện đang hoàn thành các thủ tục khai thác.

“Xác định được những điều kiện thuận lợi do các tuyến cao tốc sẽ mang lại, tỉnh đã đưa vào quy hoạch tỉnh và dành quỹ đất để phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch theo hướng tận dụng tối đa lợi thế các đường cao tốc đi qua”, ông Đồng Văn Thanh chia sẻ. 

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng đạt được kết quả kể trên là nhờ Đảng bộ tỉnh luôn bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn; quan tâm tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng chiến lược và nguồn nhân lực.

Tỉnh cũng đã ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, các nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định về công tác cán bộ được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng trên tinh thần đổi mới, đột phá, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, khát vọng, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Tỉnh còn tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo định hướng: “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”. Tỉnh quyết tâm hoàn thành sớm, xuất sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.

Không được thỏa mãn với kết quả đạt được

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương và chúc mừng những nỗ lực và thành tựu mà các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân Hậu Giang đạt được trong thời gian qua. Kết quả này là tiền đề để phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Nổi bật là kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao; quy mô nền kinh tế tăng nhanh; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tăng bình quân khoảng 15% mỗi năm. Công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hậu Giang thời gian qua đã đi nhanh rồi thì thời gian tới phải đi nhanh hơn nữa, không được thỏa mãn với kết quả đạt được.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy mô nền kinh tế của Hậu Giang còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước, xuất phát điểm thấp, nên Hậu Giang cần thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ cũng như của cả nước; phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp khá, đến năm 2050 trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh rà soát lại tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, dự án của năm nay, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, quyết tâm thực hiện đạt vào cuối năm. Bên cạnh đó, Hậu Giang cần coi trọng phát triển cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong điều kiện quỹ đất đai phục vụ phát triển công nghiệp không còn nhiều, thu hút trên tinh thần lựa chọn rất kỹ lưỡng các nhà đầu tư sử dụng diện tích đất ít nhưng giá trị đầu tư cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng. Phát huy lợi thế, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời liên kết để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chung của vùng. Nông nghiệp phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy mô hình sáng kiến “đập thời vụ”. Tỉnh cần thực hiện những dự án trọng điểm, nhưng cần lưu ý xây dựng các nút giao, đường gom để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục quan tâm cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số…

Ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ấn tượng với sự phát triển của tỉnh Hậu Giang, tuy nhiên lưu ý thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn khá thấp so với cả nước. Do đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hậu Giang tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế hiện có để phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là tận dụng tốt các dự án trọng điểm về phát triển cơ sở hạ tầng do Trung ương đầu tư, trong đó có các tuyến cao tốc đi qua địa bàn.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tốc độ tăng trưởng của Hậu Giang những năm gần đây đạt rất cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh; thu ngân sách trên địa bàn rất ấn tượng; môi trường kinh doanh cải thiện rất tốt. Tỉnh làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục rà soát và bám sát thực hiện các nghị quyết của Đảng; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút đầu tư; thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước; phát triển hạ tầng giao thông nhằm phục vụ kết nối liên kết vùng.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội: Đảng bộ tỉnh Hậu Giang có sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo. Tỉnh có khát vọng vươn lên và đã được chuyển hóa thành kết quả cụ thể về tăng trưởng kinh tế, chỉ số PCI xếp thứ 12 cả nước, tăng 26 bậc, tinh thần phục vụ của chính quyền các cấp trong tỉnh là rất cao. Hướng tới, tỉnh cần làm tốt hơn việc liên kết với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL; cần quan tâm cải thiện thứ hạng chỉ số PAPI, chỉ số SIPAS…

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương: Hậu Giang có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với mặt bằng chung của cả nước, có nhiều định hướng phát triển công nghiệp. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp; chú trọng nâng cao giá trị, đổi mới mẫu mã các sản phẩm nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nhằm gia tăng giá trị cho nông sản tại địa phương; quan tâm phát triển lĩnh vực thương mại điện tử; tạo vùng nuôi trồng bài bản, đáp ứng về chất lượng trên thị trường xuất khẩu.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>