Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Nhiều nước nghèo lao đao

09/08/2023 | 08:15 GMT+7

Việc Ấn Độ, Nga và UAE cấm xuất khẩu lương thực đã khiến thị trường xáo trộn, nhất là các nước nghèo bị lao đao.

Gạo có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm an ninh lương thực. Ảnh: BUSINESS TODAY

Theo đó, cả Ấn Độ, Nga và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo cho đến đầu năm 2024. Điều này đã khiến thị trường gạo nói riêng, lương thực nói chung trở nên xáo trộn.

Các nước nhập khẩu gạo phải tranh thủ đặt hàng, dẫn đến giá thị trường bị đẩy lên cao. Hiện giá gạo đã tăng từ 10-15% so với trước khi có lệnh cấm. Động thái này được dự báo có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Đáng quan ngại là các nước nghèo vốn dĩ đã thiếu lương thực nay lại càng lao đao hơn khi tìm kiếm nguồn lương thực thay thế.

Sở dĩ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là do nhiều nguyên nhân nhưng có mấy nguyên nhân chính sau.

Thứ nhất, diện tích gieo trồng trong vụ Hè thu, vụ canh tác quan trọng nhất của Ấn Độ đã giảm xuống trong thời gian vừa qua. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, đến ngày 10-7, tổng diện tích gieo trồng của toàn Ấn Độ mới đạt được khoảng 7 triệu héc-ta, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích canh tác giảm trong khi thời tiết từ đầu năm tới nay có những yếu tố không thuận, khiến sản lượng lương thực giảm so với kỳ vọng và nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Thứ hai, là do trong suốt 1 năm vừa qua giá gạo có thời điểm đã tăng bình quân khoảng 10-12%. Việc tăng giá lương thực và giá gạo tại thị trường Ấn Độ đã ảnh hưởng rất lớn đến người dân, đặc biệt là người nghèo dẫn đến Chính phủ Ấn Độ đã can thiệp.

Thứ ba, là mặc dù trong năm 2022, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% với loại gạo tẻ thường, nhưng tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ vẫn đang tăng rất mạnh. Đà tăng này có thể ảnh hưởng tới cân đối nhu cầu lương thực trong nước.

Mặt khác, việc ngừng xuất khẩu gạo còn có thể liên quan tới yếu tố chính trị. Năm 2024, Ấn Độ sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử trên toàn quốc để bầu ra Quốc hội và Chính phủ mới. Do vậy bất kỳ sự biến động nào về giá gạo, giá lương thực tại thị trường trong nước đều có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử trong thời gian tới.

Thực tiễn, gạo không chỉ là một mặt hàng lương thực thông thường tại Ấn Độ, mà còn là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo an sinh xã hội tại nước này; là yếu tố chi phối tới tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân. Hiện đa phần trong tổng số hơn 1,4 tỉ người dân Ấn Độ vẫn sống phụ thuộc vào nông nghiệp dù lĩnh vực này chỉ đóng góp khoảng 15% GDP chung của nước này. Chính yếu tố này đã khiến Chính phủ Ấn Độ dừng việc xuất khẩu gạo.

Cuối cùng là “giọt nước tràn ly”, cùng thời gian này, Nga cũng ngừng tham gia thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã khiến lương thực kể cả Nga lẫn Ukraine không lưu thông ra thị trường thế giới khiến nhiều quốc gia nhập khẩu gặp khó và phải chạy tìm nguồn cung khắp nơi. Cùng thời gian này, UAE cũng hành động tương tự nên nguồn cung lương thực vốn thiếu nay càng khan hiếm hơn.

Hiện Ấn Độ xuất khẩu gạo tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu; còn Nga, Ukraine, UAE là những quốc gia hàng đầu xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu nên việc họ cắt nguồn cung sẽ là sự thiếu hụt lớn với nhiều thị trường nhập khẩu thế giới, đặc biệt là các nước nghèo ở châu Phi. Điều này đồng nghĩa các nước nghèo sẽ càng lao đao hơn khi phải tìm kiếm nguồn cung lương thực khác với giá cả leo thang từng ngày.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>