Hiệp ước lịch sử về bảo vệ biển

25/09/2023 | 08:54 GMT+7

Theo Liên Hiệp Quốc, 67 quốc gia đầu tiên đã ký hiệp ước về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia” (BBNJ).

Ảnh: iStock/Getty Images

Việc bắt đầu ký kết đánh dấu “một chương mới” về việc “thiết lập những biện pháp bảo vệ phù hợp” cho các đại dương.

Biển được định nghĩa là khu vực đại dương bắt đầu ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia hoặc cách bờ biển 200 hải lý (370km), bao phủ gần một nửa hành tinh. Tuy nhiên, từ lâu chúng đã bị bỏ qua nội dung bảo vệ biển trong các cuộc thảo luận, hội nghị về môi trường.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái đất nhưng biển cả rất ít được chú ý tới. Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Do đó, khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế.

Hiệp ước này được coi là rất quan trọng đối với thỏa thuận bảo vệ 30% đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030, như đã được các chính phủ đồng thuận trong một hiệp định riêng biệt về đa dạng sinh học đạt được ở Montreal (Canada) vào tháng 12-2022.

Sau khi ký, các quốc gia cần thực hiện thủ tục phê chuẩn, phê duyệt để chính thức trở thành thành viên của Hiệp định. Hiệp định sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi có 60 nước thành viên. Trong vòng 1 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, Tổng Thư ký LHQ sẽ triệu tập cuộc họp đầu tiên của Hội nghị thành viên Hiệp định này.

Cuộc họp đầu tiên của Hội nghị thành viên Hiệp định sẽ thảo luận và quyết định rất nhiều công việc quan trọng, trong đó bao gồm việc đàm phán, thông qua thủ tục vận hành của chính Hội nghị thành viên, cũng như các cơ quan khác được thành lập theo Hiệp định, quyết định tỷ lệ đóng góp thường niên của các nước phát triển cho quỹ đặc biệt của Hiệp định, dàn xếp về tài trợ… Các nước thành viên LHQ tham gia Hội nghị Liên chính phủ sẽ phải theo sát quá trình này, nếu muốn triển khai và bảo vệ các thành quả đã đạt được trong đàm phán. Để theo sát tiến trình, đóng góp vào thực thi đầy đủ và hiệu quả Hiệp định, điều đầu tiên cần thực hiện là phải sớm phê duyệt Hiệp định.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>