Mỹ - Trung “hâm nóng” quan hệ thương mại

31/08/2023 | 09:40 GMT+7

Thời gian gần đây, Mỹ và Trung Quốc liên tục có nhiều cuộc gặp gỡ ở cấp bộ nhằm tìm kiếm giải pháp xoa dịu cuộc chiến thương mại căng thẳng từ nhiều năm nay.

Ảnh minh họa: REUTERS

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo vừa có chuyến thăm Trung Quốc nhằm tìm giải pháp giảm căng thẳng thương mại giữa hai nước. Đây được xem là nỗ lực của Washington nhằm “hâm nóng” lại quan hệ với Bắc Kinh. Động thái xoa dịu này diễn ra sau khi Mỹ hạn chế việc xuất khẩu chip, công nghệ và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái. Trung Quốc sau đó đã trả đũa với việc cấm nhà sản xuất chip lớn của Mỹ, Micron, bán chip cho các công ty trong nước.

Hiện Mỹ và Trung Quốc cũng đã nhất trí thiết lập các kênh liên lạc mới cho các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai nước bao gồm một diễn đàn song phương nhằm thảo luận các biện pháp kiểm soát xuất khẩu qua đó làm giảm hiểu nhầm về các chính sách an ninh quốc gia của nhau.

Bà Raimondo nhấn mạnh: “Đội ngũ ngoại giao của hai nước đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong thời gian qua để thiết lập các cuộc trao đổi thông tin và các nhóm công tác mới nhằm tăng cường tiếp xúc trong quan hệ song phương. Chúng tôi tin rằng một nền kinh tế Trung Quốc vững mạnh là một điều tốt”.

Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng một nền kinh tế Trung Quốc phát triển và tuân thủ luật lệ có lợi cho cả hai nước.

Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo diễn ra từ ngày 27 đến 30-8. Bà Raimondo là một trong số các quan chức cấp cao Mỹ thăm Trung Quốc trong vài tháng qua nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại các cuộc hội đàm này, Mỹ - Trung cũng nhất trí thành lập một nhóm công tác nhằm đưa ra giải pháp về các vấn đề thương mại và đầu tư, cũng như thúc đẩy lợi ích thương mại của Mỹ ở Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Mỹ, nhóm công tác sẽ tiến hành họp thường kỳ 2 lần 1 năm, với cuộc họp đầu tiên do Mỹ chủ trì, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2024. Bên cạnh đó, Washington và Bắc Kinh sẽ triệu tập một cuộc họp chung với chuyên gia của cả hai nước nhằm thảo luận chuyên sâu về việc tăng cường bảo vệ bí mật thương mại và thông tin kinh doanh bảo mật. Hai bên cũng đặt mục tiêu thực hiện các cuộc gặp thường niên cấp Bộ trưởng Thương mại.

Về phía mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi Mỹ thay đổi chiến lược, cho rằng: “Hai bên nên tăng cường hợp tác cùng có lợi, giảm căng thẳng và đối đầu, cùng thúc đẩy đà phục hồi kinh tế thế giới và ứng phó các thách thức toàn cầu”.

Ông Lý Cường cũng cảnh báo Mỹ: “Chính trị hóa vấn đề kinh tế và thương mại, thổi phồng quá mức khái niệm an ninh quốc gia không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ song phương Trung - Mỹ và sự tin cậy lẫn nhau”. Theo ông Lý Cường, tình trạng này còn làm xói mòn lợi ích của doanh nghiệp, người dân hai nước, tác động thảm khốc đến kinh tế toàn cầu.

Quan hệ Mỹ - Trung gần đây đi xuống với nhiều bất đồng kể từ tháng 3-2018 đến nay, trong đó có các biện pháp hạn chế thương mại mà Washington áp đặt với Bắc Kinh và ngược lại. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh hạn chế đầu tư mới từ Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm ở Trung Quốc, động thái này bị Bắc Kinh chỉ trích là “đi ngược toàn cầu hóa”.

Những chuyến thăm gần đây của các nhà ngoại giao Mỹ đến Trung Quốc được cho là tín hiệu mới có thể mở đường cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cho rằng ông hy vọng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay. Theo kế hoạch, vào tháng 11 tới, Tổng thống Biden sẽ mời nhà lãnh đạo Trung Quốc tới thành phố San Francisco tham dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hai nhà lãnh đạo có thể có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 9 tới. Đây được xem là động thái “hâm nóng” quan hệ thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>