Pháp rút quân ra khỏi Niger

26/09/2023 | 10:17 GMT+7

Quan hệ giữa Pháp và Niger đã trở nên căng thẳng sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra cách đây 2 tháng (ngày 26-7). Lực lượng đảo chính sau đó đã lập ra chính quyền lâm thời và liên tục yêu cầu Pháp triệu hồi Đại sứ, rút 1.500 binh sĩ ra khỏi Niger và hủy bỏ các thỏa thuận hợp tác quốc phòng đã ký trước đó...

Hàng nghìn người tập trung trước trụ sở quân đội Pháp để ủng hộ đảo chính và yêu cầu quân đội Pháp rời đi, tại Niamey, Niger, vào ngày 2-9. Ảnh: REUTERS

Diễn biến mới nhất là Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron đã thông báo sẽ rút Đại sứ và toàn bộ nhân viên ngoại giao của Pháp ra khỏi Niger, đồng thời sẽ chấm dứt các chương trình hợp tác quân sự với chính quyền quân sự Niger.

Theo ông Macron, Pháp đã chấm dứt chính sách “Francafrique” vốn mang đậm cách ứng xử thực dân đối với châu Phi và sự hiện diện của Pháp tại Niger và châu Phi hiện nay được thực hiện theo đề nghị của nước trong khu vực để tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Sau các tuyên bố bất hợp tác từ chính quyền quân sự Niger, 1.500 binh sĩ Pháp đang đóng tại Niger cũng sẽ được rút dần từ nay đến cuối năm.

Căn cứ của Pháp ở Niger là một trong những căn cứ lớn nhất ở vùng Sahel trong chương trình chống chiến binh thánh chiến ở khu vực này. Ông Macron cho biết chính quyền mới của Niger “không còn muốn chiến đấu chống khủng bố”.

Chính quyền quân sự Niger - những người lên nắm quyền sau khi lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26-7 - đã phản ứng nhanh chóng và một tuyên bố đã được đọc trên truyền hình quốc gia.

Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người đã biểu tình ở thủ đô Niamey, bao gồm ở bên ngoài một căn cứ quân sự có lính Pháp đồn trú. Chính quyền mới đã yêu cầu Đại sứ Pháp và quân đội phải rời Niger sau khi ông Macron từ chối công nhận cuộc đảo chính.

Dù chấp nhận yêu cầu của lãnh đạo phe đảo chính, ông Macron tái khẳng định quan điểm Tổng thống Niger bị lật đổ Mohamed Bazoum là người có thẩm quyền hợp pháp duy nhất của Niger.

Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự vào tháng 7. Lãnh đạo phe đảo chính sau đó hoãn thỏa thuận hợp tác quân sự với chính phủ Pháp và yêu cầu quân đội Pháp rời đi.

Các lãnh đạo quân sự Niger vào tháng 8 yêu cầu Đại sứ Pháp Sylvain Itte rời đi, thu hồi quyền miễn trừ ngoại giao của ông trong khi phía Paris từ chối yêu cầu. Tuần trước, ông Macron tuyên bố rằng quân đội Niger đang bắt ông Itte “làm con tin” bằng cách ngăn chặn việc giao thực phẩm đến Đại sứ quán Pháp.

Niger, Mali và Burkina Faso đã tuyên bố thành lập liên minh quân sự vào tuần trước. Mali và Burkina Faso đều cam kết ủng hộ Niger trong trường hợp Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) can thiệp quân sự sau cuộc đảo chính và việc ký kết hiệp ước quốc phòng chính thức hóa thỏa thuận này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mali Abdoulaye Diop nói với hãng tin Reuters rằng liên minh các quốc gia Sahel này cũng sẽ hợp tác cùng nhau để chống khủng bố và bảo đảm biên giới chung của họ.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>