Thêm nhiều quốc gia quyết tâm tiêu diệt khủng bố

05/10/2023 | 08:10 GMT+7

Nhiều vụ khủng bố lại xảy ra khiến các quốc gia liên quan thề sẽ tiêu diệt lực lượng này bằng mọi giá.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng kiểm tra an ninh sau vụ khủng bố ngay tại thủ đô Ankara, ngày 1-10. Nguồn: Al Jazeera

Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara không lùi bước và sẽ tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Ông  Erdogan khẳng định quân đội nước này sẽ tiếp tục mở lại chiến dịch tấn công tiễu trừ các nhóm khủng bố ở bên kia biên giới phía Nam đất nước (tức phía Bắc Iraq), vào thời điểm thích hợp.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông tin, quân đội nước này đã tiến hành một loạt cuộc không kích vào miền Bắc Iraq và phá hủy 20 cơ sở của lực lượng người Kurd (PKK) - tổ chức đã bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố từ nhiều năm trước - để trả đũa vụ tấn công khủng bố ở Ankara cùng ngày.

Động thái trên được cho là phản ứng trả đũa của Ankara trước hành động khủng bố mới diễn ra gần đây. Theo đó, hai phần tử khủng bố đã thực hiện vụ tấn công liều chết tại lối vào Cơ quan An ninh thuộc Bộ Nội vụ Thổ Nhì Kỳ ở thủ đô Ankara. Vụ việc đã khiến 2 sĩ quan an ninh bị thương nhẹ, nhưng gây chấn động dư luận trong nước và khu vực.

Những năm qua, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên thực hiện các hoạt động trên bộ, không kích và pháo kích vào miền Bắc Iraq chống lại PKK, đặc biệt là ở dãy núi Qandil, căn cứ chính của nhóm này. Lực lượng PKK, bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố, đã nổi dậy chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 3 thập kỷ qua.

Trong một loạt vụ việc đẫm máu vào năm 2015 và 2016, người Kurd và các nhóm khác đã nhận trách nhiệm hoặc bị đổ lỗi gây ra một số vụ tấn công ở các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hồi cuối tháng 9-2023, giới chức Iran tuyên bố đã vô hiệu hóa 30 quả bom dự kiến được kích nổ cùng lúc ở thủ đô Tehran và bắt giữ 28 nghi can có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo Reuters, IS đã tuyên bố thực hiện một số vụ tấn công ở Iran, bao gồm cả vụ đánh bom kép đẫm máu nhằm vào quốc hội Iran năm 2017 và lăng mộ của Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Rodriguez Parrilla cho biết, Đại sứ quán nước này ở thủ đô Washington của Mỹ đã bị tấn công khủng bố vào đêm 24-9 (theo giờ địa phương). Mặc dù không có ai thuộc nhân viên Đại sứ quán bị thương vong nhưng đây là vụ tấn công bạo lực thứ hai vào phái đoàn ngoại giao Cuba ở thủ đô Washington kể từ tháng 4-2020 nhằm phá hoại quan hệ hai nước Mỹ - Cuba mới vừa được “hâm nóng” gần đây. Cả Cuba và Mỹ đều lên án hành động này và tuyên bố sẽ có hành động đáp trả thỏa đáng.

Trong một động thái liên quan, hồi giữa tháng 9-2023, Ấn Độ tuyên bố sẽ không khoan nhượng với IS khi tổ chức này truyền bá tư tưởng cực đoan vào quốc gia châu Á này. Cơ quan điều tra quốc gia (NIA) Ấn Độ đã đột kích ít nhất 26 địa điểm ở bang Tamil Nadu và 5 địa điểm ở Hyderabad, bang Telangana, thu giữ một số thiết bị kỹ thuật số, tài liệu bằng tiếng địa phương và tiếng Arab, cùng 6 triệu Rupee (72.200 USD) và 18.200 USD tiền mặt.

Vụ việc này liên quan tới vụ nổ năm 2022 ở thành phố Coimbatore, bang Tamil Nadu. Nhóm nghi phạm liên quan đã tham gia vào âm mưu cực đoan hóa và tuyển mộ thanh niên. Sau đó, những thanh niên được đào tạo bị phát hiện có liên quan đến khủng bố cũng như các hành vi trái pháp luật.

Giới quan sát nhận định, mặc dù lực lượng khủng bố đang nỗ lực trỗi dậy sau khi bị tiêu diệt ở Trung Đông nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn quyết tâm xóa sổ tận gốc rễ lực lượng này. Đây là động thái tích cực làm cho khủng bố không chốn dung thân và tan rã dần theo thời gian.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>