Chật vật vì xăng dầu

12/10/2022 | 07:16 GMT+7

Thời gian vừa qua, nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng do hết xăng dầu tại tỉnh Hậu Giang cũng như một số tỉnh, thành phía Nam khiến người dân khá lo lắng. Trong khi đó, một số thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng phản ánh tình trạng khó khăn về nguồn cung.

Khách hàng đứng chờ tới lượt đổ xăng tại một cửa hàng ở thành phố Vị Thanh.

Lo vì cây xăng treo bảng hết hàng

Đứng chờ đổ xăng tại một cửa hàng ở phường I, thành phố Vị Thanh, vào sáng ngày 11-10, ông Phạm Minh Em, ở huyện Vị Thủy, than thở: “Tôi đi từ chợ Hội Đồng tới đây, qua 3 cây xăng rồi mà không chỗ nào mua được. Ghé đây khách khá đông nhưng may là đợi một lát cũng đổ được xăng nếu không thì không biết làm sao”. Còn anh Nguyễn Hữu Nhân, một shipper tại thành phố Vị Thanh thì chia sẻ: “Vì công việc phải chạy xe máy thường xuyên nên xăng luôn không thể thiếu. Thường thì tôi chạy đến đâu thấy sắp hết xăng thì ghé đến đó, nhưng giờ đây không biết được nơi nào còn nơi nào hết xăng, phải chuẩn bị trước để không bị dắt bộ, trễ giờ”.

Từ đầu năm 2022, tình trạng cửa hàng xăng dầu treo bảng, nghỉ bán hàng vì thiếu nguồn cung, tập trung nhiều ở các doanh nghiệp tư nhân, tình hình này tiếp diễn trong mấy tháng qua. Người dân dần “quen” với chuyện treo bảng với lý do đưa ra tương tự, điều mà trước đây rất hiếm khi xảy ra. Tại Hậu Giang, theo ngành chức năng thống kê có 21/211 cửa hàng hết xăng dầu, 7 cửa hàng hết xăng, còn dầu vào ngày 10-10. Còn theo ghi nhận vào sáng ngày 11-10 một số cửa hàng vẫn treo bảng, tại các nơi còn hoạt động thì tập trung khá đông khách đến mua xăng.

Theo ông Trương Việt Chiến, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Hậu Giang, tại địa bàn tỉnh, Petrolimex có 26 cửa hàng, trong đó 20 cửa hàng trực thuộc và 6 cửa hàng đại lý. Trong tình hình hiện tại công ty vẫn đáp ứng nguồn cung cho hệ thống. Tuy nhiên, việc các cửa hàng từ đơn vị khác tạm ngưng gây áp lực lớn cho việc điều độ hàng hóa của các cửa hàng thuộc hệ thống đang hoạt động.

Mặt khác, khó khăn hiện nay là giá xăng dầu thế giới biến động nhanh và biên độ rộng dẫn tới cân đối sản lượng trong hệ thống, tồn kho dài ngày gặp khó. Công thức tính giá của liên Bộ Tài chính - Công thương khi công bố chỉ dựa trên công thức chi phí định mức chứ chưa sát với thực tế. Chiết khấu đại lý cũng rất thấp, trong khi doanh nghiệp phải chi trả các chi phí về vận chuyển, nhân công lao động... dẫn đến tình trạng bán cầm chừng hoặc ngưng bán.

Theo Sở Công thương tỉnh, thời gian gần đây nguồn cung và diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, có thời điểm khan hiếm, thiếu hụt cục bộ, gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp đầu mối không chủ động được nguồn cung, chỉ nhập hàng đủ số lượng cung cấp cho hệ thống và thương nhân phân phối có đăng ký sản lượng ổn định. Một số thương nhân phân phối không mua được hàng, chiết khấu xăng, dầu khi cung cấp đến các cửa hàng bán lẻ bằng không (0) hoặc âm, nhưng doanh nghiệp phải chi trả các chi phí vận hành... nên kinh doanh không có lãi.

Nhiều kiến nghị về xăng dầu

Tại Hậu Giang, 5 thương nhân phân phối đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống, dù Sở Công thương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuy nhiên hàng hóa có lúc cũng chưa ổn định và đảm bảo để cung cấp và duy trì hệ thống.

Một thương nhân phân phối xăng dầu trên thông tin: “Thương nhân phân phối mua hàng rất khó khăn hoặc số lượng nhỏ giọt, còn các đầu mối lớn chỉ cân đối trong hệ thống. Tình trạng này kéo dài từ đầu năm đến nay, dù chúng tôi có lúc chấp nhận mua hàng bán lỗ để duy trì kinh doanh nhưng vẫn không có nhiều để mua. Các cây xăng của đại lý đóng cửa thực tế là điều không ai mong muốn, nhưng chiết khấu thấp, kinh doanh không có lãi. Mong các ngành chức năng sớm có giải pháp chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích để thương nhân phân phối bán hàng ổn định phục vụ người dân, có cơ chế điều tiết giá linh hoạt hơn để giải tỏa áp lực cho các đầu mối và cả thương nhân phân phối”.

Sở Công thương tỉnh cũng đề nghị Bộ Công thương xem xét điều tiết nguồn cung xăng dầu và tính giá đảm bảo cho các doanh nghiệp có lãi để duy trì hoạt động, chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Đồng thời, hỗ trợ, chia sẻ nguồn xăng dầu để các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược và chi phối lớn đến giá cả nhiều sản phẩm lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Để tháo gỡ tình trạng này, ngoài tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời xử lý sai phạm, cần có giải pháp tổng thể hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó có các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu nhằm ổn định tình hình thị trường và ổn định tâm lý của người dân. 

Bài, ảnh: T.TRANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>