Phát huy giá trị sản phẩm OCOP

14/09/2022 | 09:23 GMT+7

Sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP huyện Long Mỹ dần phát triển đa dạng về cả số lượng lẫn chất lượng. Cùng với nỗ lực của huyện, bản thân chủ thể làm ra sản phẩm thường xuyên trau dồi về kiến thức, kỹ năng và dành nhiều tâm huyết để nâng vị thế của sản phẩm địa phương mình.

Các chủ thể OCOP của huyện Long Mỹ tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Sớm có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao, sau quá trình nỗ lực dài hơi, đến nay chị Nguyễn Thị Diễm Phượng mới hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình hội đồng xem xét nâng sao cho sản phẩm trà mãng cầu của Cơ sở Diễm Phượng. Bởi theo chị, “nâng sao” là quá trình tất yếu, minh chứng cho sự trưởng thành của cơ sở về mọi mặt, mở rộng về quy mô, thị trường, hoàn thiện về chất lượng và có sự đổi mới về quy trình sản xuất. Tuy không bắt buộc nhưng đã là chủ thể OCOP thì ai cũng kỳ vọng nâng tầm để sản phẩm vươn xa hơn.

“Từ sản phẩm làm thủ công là chủ yếu, máy móc đưa vào khâu sản xuất ngày càng nhiều, mẫu mã bao bì sau nhiều đợt được hướng dẫn, góp ý đã có bước tiến rõ rệt và được người tiêu dùng yêu thích nên tôi càng tự tin khi đưa sản phẩm đến xúc tiến thương mại ở các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên”, chị Phượng thông tin thêm.

Với anh Trần Minh Nìm, chủ Cơ sở sản xuất mật ong Hương Tràm, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, sản phẩm được chứng nhận OCOP là “bảo chứng” cho chất lượng và giúp tiêu thụ ở mọi kênh truyền thống hay hiện đại đều thuận lợi hơn. Có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là mật ong nguyên sáp và mật ong đóng chai, chỉ trong vòng 2 năm sau khi được công nhận, anh Nìm tích cực tham gia các đợt xúc tiến thương mại, tạo kênh bán hàng online và giới thiệu qua mạng xã hội. Quy mô sản xuất của cơ sở tăng và doanh thu cũng tăng khoảng 30% so với trước. Ngoài ra, cơ sở còn nhận được nhiều hỗ trợ từ chương trình khuyến công để đầu tư máy móc, đổi mới quy trình tạo ra mật ong có độ tinh khiết cao, màu sắc đẹp, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Tiềm năng các sản phẩm OCOP của địa phương là rất lớn, với xuất phát điểm là vùng đất nông nghiệp, nhưng khai thác thế mạnh phù hợp và quyết tâm đổi mới, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng hiện nay sẽ mang đến thành công. Như câu chuyện xây dựng sản phẩm của ông Trần Minh Đang, chủ Cơ sở sản xuất mắm Việt Dũng, ở xã Thuận Hòa là một ví dụ. Xuất phát từ món ăn rất quen thuộc, kết hợp với quy trình chế biến, ứng dụng máy móc thiết bị để sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp thương mại hóa nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống. Cơ sở đã có 2 sản phẩm mắm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, cùng với đó là sự đón nhận của người tiêu dùng, từ món chỉ quen thuộc trên bàn ăn của người dân miền Tây, mắm đóng hộp với hạn sử dụng dài hơn, khắc phục được những hạn chế mà trước đây khi khách hàng mua mắm ở xa nơi sản xuất. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường hơn 1.000 hũ mắm các loại, hướng tới đây, cơ sở dự kiến tiếp tục mở rộng thị trường thông qua nhiều kênh tiêu thụ khác nhau, chuẩn hóa sản phẩm để thâm nhập vào các chuỗi cung ứng hiện đại.

Theo ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, với những tiềm năng sẵn có, cùng việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển giao kiến thức, khoa học, công nghệ và cách tiếp cận thị trường, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện ngày càng đa dạng, có định hướng nâng chất rõ rệt. Đến cuối năm, dự kiến huyện xây dựng mới thêm 6 sản phẩm OCOP và nâng từ 3 lên 4 sao đối với 1 sản phẩm. Chăm bồi và hỗ trợ các chủ thể tiềm năng xây dựng OCOP cho giai đoạn tiếp theo, mục tiêu chính vẫn là thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn kết nối thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể và nâng tầm sản phẩm địa phương.

Mặt khác, huyện Long Mỹ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động 38 hợp tác xã nông nghiệp và 54 tổ hợp tác, hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm từ hợp tác xã như lươn tẩm gia vị, khóm VietGAP, lúa chất lượng cao… Bởi đây là “bệ phóng” vững chắc để đưa nhiều sản phẩm tiềm năng có mặt trên bản đồ sản phẩm OCOP của địa phương và của tỉnh.

Bài, ảnh: T.NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>