Cảnh giác cao với các loại giấy tờ giả

21/03/2024 | 08:58 GMT+7

Thời gian qua, các hành vi làm, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn biến khá phức tạp; điều đáng nói, các loại giấy tờ giả được làm rất tinh vi, khó phát hiện, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Đối tượng P.O.K tại cơ quan công an.

Công an thành phố Ngã Bảy vừa tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với P.O.K (sinh năm 1982), ngụ xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, với ý định chiếm đoạt tài sản, từ tháng 2-2023, K. lên mạng xã hội facebook đặt một đối tượng không rõ nhân thân làm giả 2 bộ hồ sơ về việc được cấp nền tái định cư trong Khu dân cư vượt lũ Cái Côn. Trong đó, gồm một tờ trích lục bản đồ địa chính và một quyết định về việc giao đất tái định cư được làm giả các dấu mộc của cơ quan quản lý nhà nước.

Sau khi nhận được các hồ sơ giả trên, K. liên hệ với bà L. để thực hiện các hợp đồng mua bán nhà ở, đất nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan chức năng, những năm qua, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử lý nhiều vụ làm giả con dấu, tài liệu cũng như sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Cụ thể năm 2023, toàn tỉnh đấu tranh, triệt phá 9 vụ/8 bị can về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Qua các vụ án bị triệt phá, có thể thấy việc làm giả tài liệu là rất đa dạng, phong phú. Đối tượng có thể làm giả từ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định nhận nền tái định cư, giấy đăng ký xe và kể cả vé số… để thực hiện hành vi lừa đảo.

Tháng 12-2023, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử đối với 3 bị cáo Trần Sang Trọng, Trần Văn Vĩ và Hồ Thanh Sơn, cũng ở thành phố Ngã Bảy về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trần Sang Trọng vốn là chủ cơ sở kinh doanh cầm đồ, Trọng đã dùng thủ đoạn đục số khung, số máy các loại xe nhãn hiệu Suzuki Sport, rồi sau đó làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe để tiến hành ký hợp đồng mua bán, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt gần 4 tỉ đồng của các bị hại.

Trước đó, tháng 5-2023, Phan Thanh Thủy (sinh năm 1983), ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đến một văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Châu Thành A để làm hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình làm hợp đồng, công chứng viên nghi ngờ giấy chứng nhận là giả nên đã trình báo cơ quan công an.

Qua giám định, xác định được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được làm giả tinh vi nên cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, hiện nay, việc lên mạng đặt làm giấy tờ giả khá dễ dàng, mức độ hoàn thiện cao, điều này đặt ra nhiều thách thức cho các tổ chức hành nghề công chứng. Bởi mỗi ngày, các văn phòng công chứng tiếp nhận thực hiện công chứng, chứng thực rất nhiều giao dịch liên quan tới đủ các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ và các loại giấy tờ gắn với các tài sản có giá trị như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe...

Cũng theo ông Thắng, có những loại giấy tờ giả phải qua kiểm tra, giám định khoa học - kỹ thuật hình sự mới có thể khẳng định. Cái khó cho các công chứng viên là hiện chưa có công cụ hỗ trợ trong việc kiểm tra, xử lý các loại giấy tờ giả cũng như chưa có cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu từ các ngành liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, từ đó dễ dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn.

“Quá trình thực hiện công chứng các hợp đồng, thủ tục, đặc biệt là các giấy tờ liên quan đến đất đai, các tổ chức hành nghề công chứng phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, phòng tránh, không để lọt những trường hợp sử dụng các loại giấy tờ giả vì mục đích xấu”, ông Thắng chia sẻ.

Hiện nay, theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, tùy theo tính chất và mức độ phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mức cao nhất là 7 năm tù, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, qua công tác đấu tranh với tội phạm cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng làm giả giấy tờ ngày càng tinh vi, các loại giấy tờ giả chúng sử dụng đều rất khó phát hiện. Đồng thời, các đối tượng cũng có thể dễ dàng đặt mua thông qua các giao dịch trên mạng xã hội.

Do đó, để chủ động phòng, chống loại tội phạm này, ông Liêm cho rằng, cơ quan chức năng cần thường xuyên thông tin về hình thức, dấu hiệu, cách nhận biết các loại giấy tờ giả. Về phía mỗi người dân, cần cẩn trọng, kiểm tra kỹ các loại giấy tờ khi tiến hành các giao dịch hoặc nhờ đến các cơ quan chức năng kiểm tra tính thật - giả để tránh trở thành nạn nhân trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>