Mùa Vu Lan, mùa tri ân

06/09/2017 | 07:46 GMT+7

Mùa Vu Lan đến, nhiều người lại đến các chùa, tịnh xá để đọc kinh, cầu nguyện, thể hiện tấm lòng tri ân cho đấng sinh thành, trong đó ngay ngày rằm tháng 7 âm lịch, số lượng người đến các chùa, tịnh xá rất đông...

Đông đảo phật tử đến cúng Phật vào dịp rằm tháng 7 tại chùa Quốc Thanh.

Lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở con cháu nhớ tới công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Do đó, dẫu khác nhau về tuổi tác cũng như địa vị xã hội, nhưng đến dịp Vu Lan thì nhiều người lại cùng nhau đi chùa thắp hương lạy Phật, bởi ai cũng hiểu rằng có được như hôm nay đều nhờ ân đức của tổ tiên, công ơn của đấng sinh thành.

Cũng như mọi năm, vào dịp rằm tháng 7 âm lịch, bà Nguyễn Thị Thu Sương, ở huyện Vị Thủy lại đến chùa Quốc Thanh, thành phố Vị Thanh để lại Phật và cầu bình an cho cả gia đình. Bà Sương chia sẻ: “Người ta thường nói Vu Lan là lễ báo hiếu, nhưng theo tui báo hiếu không chỉ trong mùa Vu Lan này mà nó hiện hữu trong cách cư xử, mối quan hệ tình cảm của những người thân trong gia đình. Song, lễ Vu Lan cũng là dịp nhắc nhở, để mọi người bày tỏ tình cảm hiếu kính với ông bà, cha mẹ”. Cầm nén hương trên tay, ông Nguyễn Tấn Lực, thành phố Vị Thanh, bùi ngùi xúc động nói: “Mỗi lần đến dịp lễ Vu Lan, tui lại nhớ đến cha mẹ da diết. Giờ đây, tui chỉ khuyên các bạn trẻ phải biết hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, sống sao cho phải đạo làm người”.

Hòa quyện trong mùi thơm của khói hương, từng nhóm người tìm đến chùa dâng lễ mong muốn thực hiện ý nguyện tâm linh. Ngoài tưởng nhớ tri ân công ơn người đã khuất, những nén tâm hương còn mang theo lời cầu bình an sức khỏe cho đấng sinh thành, để con cháu có dịp đáp đền công cha nghĩa mẹ. Anh Đoàn Hoàng Phúc, nhân viên Công ty Cổ phần May Nhà bè - Hậu Giang, chia sẻ: “Nuôi được mình lớn khôn như vầy, cha mẹ vất vả rất nhiều. Vì vậy, vào dịp rằm tháng 7, tôi thường đi chùa để cầu nguyện cho cha mẹ được bình an, nhiều sức khỏe, sống vui cùng con cháu”.

Câu chuyện báo hiếu không chỉ có trong dịp này, mà nó luôn được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người, hiển hiện trong cách cư xử của mỗi người trong cuộc sống hôm nay. Bà Trần Thị Chắc (80 tuổi), ở huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Hạnh phúc nhất là con, cháu có hiếu với mình, chỉ cần con thường xuyên đến thăm hỏi thì tôi đã thấy vui lòng rồi, không cần phải ăn sung mặc sướng, giàu có mới là hạnh phúc”.

Mỗi người đến chùa dịp lễ Vu Lan đều nghẹn ngào, xúc động, bởi những hoạt động đầy tính nhân văn của văn hóa Phật giáo. Sư cô Thích nữ Diệu Ngọc, trụ trì chùa Quốc Thanh, cho biết: “Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ tấm gương hiếu thảo của đại đức Mục Kiền Liên và ngày Vu Lan là ngày đại đức Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi khổ hình. Câu chuyện hiếu hạnh của ngài đã được truyền tụng và trở thành một nghi thức báo hiếu cho mọi người noi theo đến ngày hôm nay”.

Trong dịp rằm tháng 7 năm nay, phật tử khắp nơi đến chùa, tịnh xá ngoài cầu an, cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, còn được dùng bữa cơm chay. Được biết, rằm tháng 7 năm nay, chùa Quốc Thanh nấu 300 mâm cơm, tịnh xá Ngọc Chương đã nấu 100 mâm  để phục vụ khách thập phương,... Nhìn chung, hầu hết các chùa, tịnh xá trên địa bàn tỉnh đều nấu cơm chay đãi các phật tử lễ chùa. Hoạt động này diễn ra khá tấp nập, ai cũng muốn đến chùa dùng bữa cơm chay, vì quan niệm ăn món ở chùa sẽ thêm nhiều phần phước…

Lễ Vu Lan là dịp để mọi người tôn vinh ơn cha, nghĩa mẹ và đề cao tinh thần hiếu đạo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn xưa. Trong dịp này, có người hạnh phúc vì được cài lên áo hoa hồng đỏ vì còn đủ đấng sinh thành, nhưng có người phải ngậm ngùi cài hoa hồng trắng vì cha mẹ đã qua đời…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>