HẬU GIANG TẬN DỤNG THỜI CƠ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

04/10/2023 | 14:12 GMT+7

“Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”  (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

Ảnh: sưu tầm

Phát triển con người toàn diện – chủ trương lớn của Đảng ta

Xây dựng con người toàn diện là tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo Bác, con người là vấn đề số một của cách mạng. Người thường nói: Tất cả là do con người, có cán bộ tốt, việc gì cũng xong; “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”[1]. Quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng con người, trong Cương lĩnh, đường lối, các nghị quyết, Đảng ta luôn kiên định quan điểm xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm phát triển bền vững; phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”[1]. Từ chủ trương chung xuyên suốt của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn đưa ra nhiệm vụ“Xây dựng văn hoá và con người Hậu Giang phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” trong Văn kiện Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Đảng bộ tỉnh Hậu Giang cũng xác định rõ, để xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững, trước hết cần quan tâm đến nhân tố con người. Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang đã khẳng định “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là ưu tiên thứ nhất, hàng đầu trong mọi nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh hiện nay.

Nỗ lực phát triển toàn diện con người Hậu Giang từ những khó khăn

Hậu Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, được thành lập vào năm 2004 do tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ, có diện tích 1.622 km2, dân số theo thống kê năm 2019 là 924.126 người. Toàn tỉnh có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó: 02 thành phố (Ngã Bảy, Vị Thanh), 01 thị xã (Long Mỹ) và 05 huyện. Khi chia tách tỉnh năm 2004, Hậu Giang là tỉnh thuần nông, có địa bàn nông thôn rộng, nông dân chiếm phần lớn số dân, hộ nghèo đông, cơ sở vật chất thiếu thốn, lực lượng cán bộ của tỉnh ít về số lượng, không bảo đảm về chất lượng, quy mô nền kinh tế thấp nhất vùng.

Sau gần 20 năm trưởng thành, Hậu Giang đã có những bức phá ấn tượng. GRDP của tỉnh năm 2020 là 49,96 triệu đồng/người, năm 2021 là 54,4 triệu đồng, tăng 49,5 triệu đồng so với năm 2004; đời sống vật chất, tinh thần người dân tăng lên đáng kể. Đến nay, tỉnh có 39/51 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 2/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 8/51 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 3/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (Thành phố Vị Thanh, Thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành A); giao thông kết nối liên hoàn, phá thế độc đạo (sắp tới đây có 2 tuyến đường cao tốc của vùng với chiều dài 300km thì có đến 100km đi qua và giao nhau ở địa phận tỉnh Hậu Giang - đây là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh); Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 hiện đã đi vào cuộc sống, trong đó, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã, đang tích cực thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch...

Trong bài phát biểu bế mạc của Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành tại Hội nghị Ban Chấp hành giữa nhiệm kỳ vào ngày 11/7/2023 đưa ra đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ 2020 – 2025 có những nội dung quan trọng sau:

“Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội và là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng chung của khu vực và cả nước: năm 2021 tăng 3,28% - đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 39 cả nước; năm 2022 tăng 13,94%, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 của nước (tăng trên 30 bậc so với năm 2021); 6 tháng đầu năm 2023 tăng 14,21%, lần đầu tiên vươn lên là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. (GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 6 tháng 2023 tăng 8,48%/năm, cao hơn 3,22% so với mức tăng bình quân của cả nước); thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng cao vượt bậc, nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao nhất cả nước, khoảng 20%/năm, vượt xa chỉ tiêu thu ngân sách Trung ương giao.

Tỉnh uỷ ban hành nghị quyết về phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; Nghị quyết Chiến lược về phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ, nhất là những trong công tác phòng chống dịch Covid 19; Công tác an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, bình quân trên 15%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, giảm 1,44%/năm”.

Thực tiễn sau gần 20 năm phát triển, tỉnh Hậu Giang đã từng bước khẳng định chiến lược phát triển con người ở địa phương đã có những chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng: chỉ số phát triển con người (HDI), chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được nâng lên rõ rệt trong môi trường an toàn, lành mạnh...; Chính sách xoá đói giảm nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm chỉ còn 3,1%. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng có những thành tựu đáng kể, nhất là việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở, sự phát triển của hệ thống giáo dục các cấp. Sức khoẻ, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên một bước. Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, nếu như vào thời điểm mới thành lập, tỉnh chỉ có 1 tiến sĩ, 24 thạc sĩ và 3.342 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, thì đến nay đã có 71 tiến sĩ và tương đương, 887 thạc sĩ và tương đương, với hơn 13.000 lao động có trình độ đại học và hơn 3.500 có trình độ cao đẳng, trung cấp…

Đặc biệt, ngoài việc chăm lo đời sống kinh tế xã hội, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng… các hoạt động văn hoá cũng được Đảng bộ Tỉnh hết sức chú trọng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hậu Giang đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá với quy mô lớn như: tổ chức giải Marathon quốc tế mỗi năm một lần, Tuần lễ NASA Hậu Giang (2023), Festival Áo Bà Ba (2023)… là những sự kiện văn hoá độc đáo mang đậm dấu ấn truyền thống con người Hậu Giang đã thu hút sự quan tâm và yêu mến của người dân cả trong và ngoài nước.

Mặc dù đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang còn rất nhiều trở ngại, chông gai phía trước. Tuy nhiên, từ những trái ngọt đã gặt hái được, chúng ta không thể không tự hào về quê hương Hậu Giang của chúng ta. Có thể khẳng định, đạt được những thành tựu trên là do định hướng đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, sự quyết tâm và quyết liệt của hệ thống chính trị ở địa phương.

Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, để tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, Tỉnh uỷ Hậu Giang đã ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đặc biệt, vào tháng 7 năm 2023, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết đề ra mục tiêu là xây dựng con người Hậu Giang thời kỳ mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia, dân tộc, với các đặc trưng: Yêu nước, Đoàn kết, Nghĩa tình, Năng động, Bản lĩnh, Trí tuệ để văn hóa, con người Hậu Giang trở thành nguồn lực nội sinh và động lực đột phá phát triển Hậu Giang.

Những thách thức, khó khăn cần tháo gỡ

So với các giai đoạn trước, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang ngày nay đã đạt được những thành tựu đột phá và nổi bật, khẳng định được vị thế, tiềm lực của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, Hậu Giang vẫn còn không ít các khó khăn, thách thức cần được giải quyết để xây dựng và phát triển toàn diện con người Hậu Giang.

Thứ nhất, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với khu vực và cả nước do Hậu Giang có điểm xuất phát thấp; kinh tế có nhịp độ tăng trưởng chưa cao, quy mô kinh tế nhỏ, nguồn thu ngân sách (thu thuế nội địa) thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, tình trạng biến đổi khí hậu có diễn biến ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên cũng tác động không nhỏ đến sức khoẻ và tâm sinh lý người dân; vấn đề dân số, sự phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội ngày càng có xu hướng gia tăng cũng là thách thức đối với chính quyền địa phương trong định hướng phát triển toàn diện con người Hậu Giang hiện nay.

Thứ ba, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa thực sự được đẩy lùi. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp. Một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý sính ngoại, tiêu dùng sản phẩm văn hóa cũng như tiếp nhận lối sống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng con người trước thách thức toàn cầu hóa...

Trước những khó khăn, thách thức trên, để xây dựng con người Hậu Giang phát triển toàn diện cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, phát triển kinh tế - xã hội địa phương với chủ trương “phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội cải thiện đời sống của nhân dân” [3].

Hai là, quan tâm công tác giáo dục đào tạo. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, phát triển năng lực của các cơ sở đào tạo nhằm tăng khả năng cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng ta đã chỉ rõ: Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; “quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên”.

Ba là, xây dựng con người Hậu Giang hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, của người dân Nam bộ; xây dựng con người Hậu Giang mang tầm thời đại mới gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Bốn là, cần khai thác, phát huy nguồn lực văn hoá của dân tộc để làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Hậu Giang nói riêng và con người Việt Nam nói chung thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bồi dưỡng tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống và nhân cách, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân. Hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường. Bồi đắp và tôn vinh tinh thần đoàn kết, tính cố kết cộng đồng, tình yêu thương, gắn bó, ý thức trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp, giữa con người với con người trong xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.

Để Hậu Giang có thể sánh ngang với các tỉnh thành trong cả nước, tầm nhìn đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội… Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng, sự cấp bách trong vấn đề xây dựng con người Hậu Giang phát triển toàn diện, nâng tầm Hậu Giang trong thời đại mới. Từ các giá trị và sức mạnh của văn hóa cộng đồng, của con người Việt Nam sẽ hình thành nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc./.

NGUYỄN THỊ HOÀNG MINH, Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang

Tài liệu tham khảo:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, tập 1, tr. 215 - 216.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện đại hội toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQGST, tập 1, tr. 299.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>