Những bước tiến vững chắc trong phổ cập giáo dục tiểu học

22/07/2019 | 18:37 GMT+7

Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) mức độ 3. Đây là nền tảng để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường trong địa bàn, tạo đà để ngành giáo dục tỉnh nhà vươn lên với những bước tiến vững chắc hơn trong năm học mới.

Chất lượng dạy và học ở các trường tiểu học luôn được nâng cao.

Những kết quả nổi bật

Tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học năm qua đạt 99,35%, tăng 0,35% so với năm học trước. Trong đó, tỷ lệ học sinh bỏ học cấp tiểu học chỉ có 0,16%, so với năm qua giảm 0,04%. Toàn tỉnh có 76/76 xã đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3, 8/8 huyện đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3, đạt tỷ lệ 100%, tỉnh Hậu Giang đã đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 năm 2018 và đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, công nhận… Ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt là cấp tiểu học. Chúng tôi thấy mừng vì người dân đã luôn đồng thuận, hết mình cùng với ngành, với địa phương chăm lo cho việc học của con em mình”.

Nét nổi bật trong công tác hoàn thành các tiêu chuẩn PCGDTH mức độ 3 là trong năm học 2018-2019 ngành giáo dục và đào tạo đã xây dựng thành công Trường Tiểu học Vĩnh Thuận Đông 2, huyện Long Mỹ, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Việc công nhận mới thêm 1 trường đã góp phần nâng tổng số trường đạt chuẩn mức độ 2 toàn tỉnh là 2 trường. Trong đó cả 2 trường đều thuộc cấp tiểu học. Trường Tiểu học Hùng Vương (thị xã Ngã Bảy) là trường đầu tiên của tỉnh được nhận vinh dự này. Hiện tại, toàn tỉnh có 91 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Đây không chỉ là niềm vinh dự của ngành mà còn là sự khẳng định về chất lượng giáo dục của huyện. Tuy là huyện mới thành lập, còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi xác định xây dựng trường đạt chuẩn chất lượng sẽ làm nên thương hiệu không chỉ cho bản thân các trường, mà còn là sự khẳng định niềm tin trong Nhân dân về chất lượng giáo dục của huyện”. Huyện Long Mỹ có 28/41 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 68,3%. Trong đó, riêng cấp tiểu học có 15 trường đạt chuẩn, chiếm hơn 53% tổng số trường đạt chuẩn toàn huyện. Năm học 2018-2019, huyện huy động được 15.663 học sinh, tỷ lệ huy động đạt hơn 100%. Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Long Mỹ có 8/8 xã đạt chuẩn XMC mức độ 2, có 8/8 xã đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2…

Tỉnh Hậu Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở năm 2004, PCGDTH đúng độ tuổi năm 2005, PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015. Đây là những tiền đề quan trọng để tỉnh sớm được công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3 trong năm nay.

Chủ động trong cách làm, cách vận động

Ông Nguyễn Phước Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, giáo viên phụ trách phổ cập đến tận nhà vận động, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền giữa các ban, ngành, đoàn thể… mà nhận thức của các bậc phụ huynh ngày một nâng cao, người dân chủ động đưa con em đến trường đúng theo độ tuổi. Nhờ vậy, chất lượng PCGD, XMC của huyện trong những năm qua được duy trì bền vững, kết quả năm sau luôn chất lượng hơn năm trước”. Nhiều năm liền, huyện Châu Thành A được đánh giá là đơn vị luôn có sự chủ động, trách nhiệm trong công tác PCGD, XMC. Cuối năm 2018, huyện Châu Thành A có 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2.

Công tác PCGDTH của tỉnh hơn 15 năm qua được quan tâm, chú trọng. Hàng năm, kết quả công tác PCGDTH đều đạt và nâng cao hơn chất lượng. Để công tác PCGD đạt đúng tiến độ và hiệu quả, ngành giáo dục và đào tạo quan tâm đến các điều kiện liên quan đến mạng lưới trường lớp. Chỉ tính riêng trong năm học 2018-2019, kinh phí các phòng giáo dục và đào tạo sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ là hơn 326 tỉ đồng, các đơn vị cũng tích cực vận động xã hội hóa giáo dục chăm lo cho học sinh nghèo, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hỗ trợ hơn 10,2 tỉ đồng… Ông Võ Minh Luân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nhờ những suất học bổng, quà hỗ trợ mà học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Những nghĩa cử cao đẹp ấy đã góp phần cùng với trường chúng tôi ngăn ngừa học sinh bỏ học. Chúng tôi rất trân quý những sự hỗ trợ đó. Đó luôn là động lực để nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy”. Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng hàng năm đều duy trì được tỷ lệ 100% học sinh đến trường, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Từ năm học 2016-2017, đến nay, trường thực hiện Mô hình “Tiếng trống vui học” với những hình thức sinh hoạt hấp dẫn, sáng tạo đã góp phần giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Mô hình đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận mô hình đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ cập luôn rà soát nắm chắc đối tượng trong độ tuổi đến trường, để vận động kịp thời.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Những năm học qua, ngành kịp thời đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đó là việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Bên cạnh đó, hiệu quả từ việc thừa hưởng các chương trình hỗ trợ, như: Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN), dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, thực hiện thí điểm chuyên đề “Dạy học tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”... đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong giáo viên và học sinh”.

Năm học 2018-2019 là năm thứ 5 tiếp tục, tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Thực hiện tốt Nghị quyết 29, Hậu Giang đã chủ động thực hiện, gặt hái được nhiều thành tựu trong công tác giáo dục và đào tạo. Tỷ lệ học sinh giỏi tăng, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong giáo viên và học sinh có vị trí so với các tỉnh bạn, chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng cao… Thành công của việc hoàn thiện các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 sẽ là cơ hội mới cho giáo dục tiểu học Hậu Giang ngày càng phát triển.

Hậu Giang đã sẵn sàng chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, công nhận.

Theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3:

- Đối với xã: Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ít nhất 98%; tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 90%, đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; các trẻ em 11 tuổi còn lại đều đang học các lớp tiểu học.

- Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

- Đối với tỉnh: Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>