“Thư viện thân thiện” hút học sinh đọc sách

26/09/2024 | 07:19 GMT+7

Với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học thông qua việc thiết lập môi trường đọc thân thiện, dự án “Thư viện thân thiện” đã mang lại hiệu quả tích cực, đưa học sinh đến gần hơn với thói quen đọc sách...

Giai đoạn 2021-2024, đã có 20 thư viện trường tiểu học được hỗ trợ toàn phần tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động thư viện.

Mở ra không gian đọc sách hứng thú cho học sinh

Không gian thoáng, đẹp với màu sắc, hình ảnh bắt mắt; các loại sách được sắp xếp, phân loại theo lứa tuổi, thiết kế các góc trò chơi, góc vẽ với bút màu, đất nặn... là dự án “Thư viện thân thiện” đang triển khai ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Tiết đọc thư viện của học sinh các khối lớp ở Trường Tiểu học Trương Định, thành phố Vị Thanh, sôi động hơn khi cô giáo giới thiệu những cuốn sách mới. Học sinh quây quần lại để lắng nghe câu chuyện được cô giáo đọc. Em Nguyễn Chí Tính, học sinh lớp 3A1, kể: “Ở tiết đọc thư viện, chúng em không chỉ lắng nghe, còn được chủ động kể lại câu chuyện và thuyết trình trước lớp về nội dung câu chuyện vừa mới nghe cô giáo kể”.

Tiết đọc thư viện là một phần bắt buộc trong dự án “Thư viện thân thiện” được bố trí mỗi tuần/1 tiết/1 lớp. Chương trình còn có những hoạt động mở rộng gồm viết vẽ, thảo luận và đóng vai kết hợp với các hình thức dạy phù hợp.

Là một trong những trường được lựa chọn triển khai thí điểm dự án “Thư viện thân thiện” đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1, huyện Vị Thủy, được Tổ chức Room to Read tài trợ kinh phí cải tạo, xây dựng thư viện thân thiện trên nền cũ của thư viện truyền thống. Bên cạnh các thảm xốp trải phòng nhiều màu sắc, thư viện còn được trang bị thêm bàn và kệ sách mở, sách được kê ở tầm thấp để học sinh chủ động chọn theo sở thích. Nhằm tạo sự gần gũi và một không gian đọc sách thân thiện, nhà trường còn thiết kế thêm các góc sáng tạo gồm tra cứu, viết vẽ, trò chơi…

Ông Cao Thanh Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Từ ngày đưa mô hình thư viện thân thiện vào phục vụ, ý thức học tập của học sinh nâng cao rõ rệt, việc dạy học cũng trở nên hiệu quả hơn. Trong đó, chất lượng học môn tiếng Việt tốt hơn, học sinh có kỹ năng đọc tốt; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em”.

Với quy mô hơn 1.000 học sinh theo học mỗi năm, qua 3 năm triển khai mô hình thư viện thân thiện, Trường Tiểu học thị trấn Nàng Mau 1 đã được hỗ trợ kinh phí hơn 691 triệu đồng thực hiện thư viện. Qua đây, trường đã tổ chức được 2.277 tiết đọc thư viện cho các lớp, cho 6.150 lượt học sinh mượn sách, tổ chức 12 cuộc tuyên truyền với hơn 10.000 lượt phụ huynh tham gia…

Hàng ngàn học sinh hưởng lợi từ thư viện

Dự án “Thư viện thân thiện” được Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Tổ chức Room to Read triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2021, qua hơn 3 năm thực hiện chương trình (giai đoạn 2021-2024), đã có 20 thư viện trường tiểu học (thuộc 5 huyện, thành phố) được hỗ trợ tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động hiệu quả thư viện. Chương trình đã tạo điều kiện cho 484 giáo viên và hơn 9.229 học sinh tham gia, với 54.360 quyển sách được trang bị tại 20 trường.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Tổ chức Room to Read đã tạo điều kiện để các trường tiểu học được tiếp cận mô hình thư viện thân thiện, với không gian thư viện đa dạng và phong phú. Học sinh không chỉ được tiếp cận với nhiều đầu sách hay mà còn được khuyến khích tìm tòi, khám phá, từ đó phát triển thói quen đọc sách và niềm đam mê đọc của các em, góp phần hỗ trợ học tập nâng cao chất lượng giáo dục. Chương trình còn tổ chức các hoạt động gắn kết gia đình với cộng đồng, hoạt động khuyến khích đọc cho học sinh như ngày hội đọc sách, giới thiệu sách… 

“Giai đoạn 2021-2024 đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực và hiệu quả từ việc thực hiện Dự án “Thư viện thân thiện”. Ngành sẽ rút kinh nghiệm mô hình, phát huy những kết quả đạt được để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 (2023-2026) đối với 10 trường tiểu học thuộc 3 huyện, thị xã, thành phố còn lại. Triển khai rộng rãi đến các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, từng bước đi vào chiều sâu để các trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh quan tâm đến thư viện nhiều hơn và tham gia các hoạt động thư viện một cách chủ động, tích cực góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục toàn diện đối với học sinh tiểu học”, bà Huyền chia sẻ thêm.

Dự án “Thư viện thân thiện” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Room to Read thực hiện đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, chương trình được triển khai gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 2021-2024 có 20 trường thực hiện và giai đoạn 2023-2026 có thêm 10 trường thực hiện. Tổng số vốn viện trợ cho chương trình hơn 2,6 tỉ đồng do Tổ chức Room to Read tài trợ.

Giai đoạn 2021-2024, đã có 20 thư viện trường tiểu học được hỗ trợ toàn phần tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động thư viện; gần 54.360 quyển sách được tuyển chọn, phân loại theo trình độ đọc và cấp về các trường; 484 giáo viên và nhân viên thư viện được tập huấn để triển khai hoạt động thư viện và 9.229 học sinh được tiếp cận và tham gia hoạt động tại thư viện.

 

AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>