Cần nhân rộng các mô hình dân vận khéo

03/01/2019 | 08:47 GMT+7

Năm qua, nhiều mô hình dân vận khéo trên địa bàn huyện Vị Thủy đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Thông qua mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo”, anh Trưng có điều kiện chăn nuôi bò để cải thiện thu nhập gia đình.

Trước đây, do không đất canh tác nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Trưng, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, chủ yếu làm mướn và thuê diện tích mặt nước ven sông trồng rau nhút. Tháng 4 năm rồi, nhà thờ họ đạo Xavier (cũng ở ấp 4) hỗ trợ cho gia đình anh cặp bò để nuôi.

Mặt trận xã cùng chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho hộ anh tiếp cận vốn vay 30 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để mua thêm 1 con bò giống và thuê thêm đất trồng rau nhút. 3 con bò rất mau lớn và gia đình anh Trưng cũng có thu nhập tương đối ổn định từ 6 công rau nhút.

Anh Trưng thừa nhận: “Nếu không có sự quan tâm chia sẻ, tạo điều kiện từ phía đoàn thể xã, nhà thờ thì chắc gia đình tôi không thể nào mua nổi cùng lúc 3 con bò và mở rộng diện tích trồng rau nhút. Tôi rất biết ơn và cố gắng nỗ lực phấn đấu làm ăn để sớm vươn lên thoát nghèo”.

Gia đình anh Trưng là một trong nhiều hộ trên địa bàn ấp 4 được nhà thờ họ đạo Xavier hỗ trợ bò nuôi thông qua mô hình “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo” do Ban Dân vận Huyện ủy triển khai thực hiện vào đầu năm 2018. Theo đó, mỗi con bò giống được hỗ trợ có trọng lượng từ 130-150kg với giá 8-10 triệu đồng/con; sau 8-10 tháng nuôi, có thể xuất bán được khoảng 18-20 triệu đồng.

Điểm nổi bật của mô hình là ở phương thức phối hợp tuyên truyền, vận động hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng của chính quyền và đoàn thể. Mặt khác, thông qua khảo sát nhu cầu thực tế của từng hộ, đoàn thể từ xã đến ấp còn phân công kèm cặp, thường xuyên thăm hỏi, đôn đốc quá trình thực hiện. Đến cuối năm 2018, mô hình tạo điều kiện giúp đỡ cho 17 hộ thoát nghèo, trong đó có 7 hộ là tín đồ Công giáo.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Thuận Tây, cho hay, trên cơ sở triển khai thực hiện mô hình, Mặt trận xã phối hợp với chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho nhiều nông hộ vay vốn ưu đãi tổng số tiền 340 triệu đồng. Mặt khác, đã mở 1 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cũng như vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo…

Cùng với mô hình thiết thực trên, Ban Dân vận Huyện ủy còn phối hợp với Đảng ủy xã Vị Trung tiếp tục duy trì thực hiện mô hình “Đảng viên phụ trách hộ”; phối hợp với Đảng ủy xã Vĩnh Tường hướng dẫn 10 chi bộ ấp triển khai, thực hiện mô hình.

Hàng tháng, Ban Dân vận Huyện ủy và Khối dân vận Đảng ủy xã Vĩnh Tường còn xoay vòng dự sinh hoạt chi bộ ấp nhằm tìm hiểu tình hình hoạt động, việc phân công nhiệm vụ đảng viên, định hướng công tác vận động quần chúng trên địa bàn phụ trách. Trên cơ sở đó, định kỳ hàng quý, 6 tháng tổ chức sơ kết việc thực hiện mô hình để kịp thời uốn nắn công tác lãnh, chỉ đạo cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Đảng ủy xã Vĩnh Tường, năm qua, 10 chi bộ ấp đã phân công 124 đảng viên phụ trách hơn 3.040 hộ trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức đảng viên về công tác vận động quần chúng và nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các ấp, khắc phục hạn chế của cấp ủy thời gian qua về phân công nhiệm vụ đảng viên không rõ ràng, cụ thể...

Ông Trần Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Tường, khẳng định: “Điểm mới của mô hình “Đảng viên phụ trách hộ” trong năm 2018 là phân công đảng viên vận động quần chúng liên quan nhiều nội dung theo nhiệm vụ chi bộ phân công hàng tháng. Thay vì trước đây chỉ có nội dung về môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn”.

Ông Đoàn Minh Thanh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Vị Thủy, cho biết năm qua, nhiều mô hình dân vận khéo được triển khai và thực hiện hiệu quả. Qua đó, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, lắng nghe ý kiến và tham mưu cấp ủy giải quyết những bức xúc, kiến nghị của Nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Năm 2018, huyện Vị Thủy đăng ký 47 mô hình, 45 điển hình về dân vận khéo. Qua thẩm định và đánh giá đã công nhận 38 mô hình, 35 điển hình. Nổi bật như các mô hình: “Tôn giáo đồng hành với công tác giảm nghèo”; “Đảng viên phụ trách hộ” tại xã Vĩnh Tường; duy trì mô hình “Ấp thoát nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer” tại ấp 8, xã Vị Thủy...

 

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>