Những cựu chiến binh tiêu biểu

12/09/2017 | 06:10 GMT+7

Trải qua nhiều năm tháng ở môi trường quân đội đã rèn luyện cho lực lượng cựu chiến binh hôm nay tính năng động trong sản xuất, kinh doanh để vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Hùng đang thành công với mô hình trồng chanh không hạt.

Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa luôn ý thức vai trò, trách nhiệm với gia đình cũng như gương mẫu, đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chí thú làm ăn

Hiện ông Nguyễn Văn Phát, hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, khá nổi tiếng với nghề “tay trái”. Đó là nghề làm bạc cây dùng để lắp vào bên trong thân láp (đuôi tôm), bộ phận phụ trợ thường thấy ở nhiều loại máy hoạt động trên vùng sông nước và canh tác nông nghiệp. Giờ đây, ông chủ yếu sản xuất và cung ứng sản phẩm theo đơn đặt hàng của các tiệm cơ khí trong và ngoài địa phương.

Năm nay, tuy đã bước sang cái tuổi 61 nhưng sức khỏe cùng sự nỗ lực trong lao động, sản xuất đối với cựu chiến binh này có thừa. “Ban ngày, tôi chủ yếu chăm sóc rẫy khóm và tham gia hoạt động hội ở địa phương. Do đó, tôi thường tranh thủ ngồi máy cưa, máy tiện cùng với các thành viên khác trong nhà làm bạc cây vào lúc chiều tối, đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho khách hàng gần xa”, ông Phát chia sẻ.

Sau 3 năm phục vụ trong Sư đoàn huấn luyện của Quân khu 7, ông xuất ngũ trở về quê vào năm 1981. Bấy giờ, ông tính chuyện lập gia đình và chủ yếu đi làm thuê để gầy dựng sự nghiệp, nhất là gắn bó với công việc chạy thùng suốt lúa mướn cho bà con khắp nơi gần chục năm trời. Tuy nhiên, tất cả đều không đạt kết quả như mong đợi nên ông quyết định quay về nghề cơ khí mà mình đã từng làm phụ giúp gia đình trước khi đi bộ đội.

Bởi ông bắt đầu thử sức với nghề cha truyền con nối này khi bản thân mới được 12 tuổi. Vì vậy, lúc trở lại làm cơ khí quen thuộc, cơ ngơi của ông nhanh chóng phất lên. Tiền lời hàng ngày được ông tích cóp dần và tất cả đều dành để mua thêm đất canh tác. Hiện tại, ông Phát có trong tay hơn 1,7ha đất chuyên trồng loại cây đặc sản của địa phương là khóm Cầu Đúc.

Vốn tính sáng tạo, ham học hỏi nên trong một dịp đi mua bạc cây về làm máy cho khách hàng hồi 4 năm trước, ông đã “bén duyên” với nghề mới này cho đến nay. Còn cái nghiệp cơ khí, ông hầu như giao hết lại cho mấy người con trai của mình để chuyên tâm lo công việc đồng áng và các phong trào đoàn thể ở địa phương. Chưa kể là các loại máy phục vụ cho 4 công đoạn cắt, tách, dập và tiện để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh đều do một tay ông mày mò sáng tạo ra.

Ông Phát thừa nhận: “Tổng doanh thu hàng năm của gia đình trên 150 triệu đồng, chủ yếu là nhờ rẫy khóm. Tuy là nghề phụ nhưng làm bạc cây giúp tôi có thêm thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Lớn tuổi rồi, công việc nặng nhọc như nghề cơ khí làm không nổi thì mình tìm việc nhẹ nhàng hơn để kiếm được đồng nào hay đồng nấy, góp phần phụ giúp vào khoản chi tiêu hàng ngày của gia đình”.

Năng động làm giàu

Tương tự, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hùng, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cũng khởi nghiệp từ “hai bàn tay trắng” sau khi xuất ngũ trở về địa phương từ chiến trường K (Campuchia) vào năm 1988. “Lúc ấy, bản thân tôi chẳng có gì quý giá ngoài ý chí, quyết tâm lao động sản xuất để vươn lên trong cuộc sống và tính chuyện xây dựng hạnh phúc riêng tư cho mình”, ông Hùng kể.

Vì thế, ông trải qua nhiều nghề để vượt qua nghèo khó. Từ thuê mướn, buôn bán nhỏ cho đến nấu rượu kết hợp nuôi heo theo quy mô hộ gia đình. Trong số đó, có lẽ kinh doanh là lĩnh vực thích hợp nhất nên đến giờ vẫn được ông duy trì và tiếp tục phát triển lớn mạnh. Cụ thể, ông chuyên thu mua lúa về dự trữ, sau đó chà gạo bán lại cho bà con địa phương kiếm lời. Mặt khác, ông còn tận dụng phụ phẩm tấm, cám để nuôi heo thịt, cung ứng nhu cầu thị trường.

Quả thật, ông đến với nghề mua bán lúa gạo hoàn toàn có sự tính toán bài bản chứ không đơn giản là sự tình cờ. Ông Hùng bày tỏ: “Hơn chục năm trước, tôi thấy bà con nơi đây đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa sang trồng cây màu nên nhu cầu gạo phục vụ bữa cơm gia đình ngày càng tăng cao. Vì vậy, tôi quyết định kinh doanh mặt hàng lúa gạo cho đến hôm nay”.

Đó cũng là nghề từng bước giúp ông gầy dựng nên sản nghiệp vững chắc cho gia đình với ngôi nhà tường khang trang và 1ha vườn chanh không hạt đang sinh lời trên 150 triệu đồng mỗi năm bên cạnh lợi nhuận hơn 100 triệu đồng từ nghề nuôi heo và bán gạo. “Nghề kinh doanh lúa gạo cho thu nhập cùng lúc không cao nhưng được cái là ổn định. Vì thế, tôi phải bám trụ với nó trong khoản thời gian dài mới đủ tiền mua đất như bây giờ”, ông Hùng khẳng định.

Dẫn lối ra vườn chanh không hạt rất xanh tốt cách xa nhà khoảng 2km, ông Hùng thông tin thêm: “Trước năm 2014, miếng vườn hiện hữu là rẫy mía, do thu nhập bấp bênh nên tôi cải tạo lại nền đất trồng chanh. Khi mới đem cây giống ra đặt, không ít người dân bàn tán rằng coi chừng không có người mua sản phẩm sau này. Tôi cười cho qua chuyện, bởi họ nói cũng có lý vì bốn bên khu vườn lúc bấy giờ toàn là rẫy mía bao quanh”. 

Thực ra, trước khi quyết định trồng chanh không hạt, ông đã chủ động nghiên cứu nhu cầu thị trường, nhất là đích thân lên tận miệt Châu Thành tham quan, học hỏi kỹ thuật canh tác bài bản như xử lý cho cây ra hoa, đậu trái nghịch vụ của những nhà vườn dày dạn kinh nghiệm nơi đây, kể cả tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm sau này. Nhờ vậy mà hơn 1 năm qua, vườn chanh luôn cho năng suất thu hoạch cao, còn sản phẩm được thương lái đến thu gom tất cả.

Qua đây cho thấy ông Hùng không chỉ có khiếu trong lĩnh vực kinh doanh mà còn năng động ở việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Ông Hùng và ông Phát là hai trong nhiều gương cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh vẫn giữ nguyên trong huyết quản ý chí vượt khó, chiến thắng. Với họ, chiến thắng ngày nay không kém phần quan trọng, ý nghĩa so với chiến thắng kẻ thù trước kia…

Bài, ảnh: NGUYỄN NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>