Làm rõ nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

05/12/2019 | 19:55 GMT+7

Phiên họp thứ tư Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa IX đã thực hiện chất vấn đối với lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Y tế. Qua đó, nhiều vấn đề cử tri quan tâm thuộc lĩnh vực phụ trách của 3 sở này phần nào được làm rõ.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh:

Triển khai các giải pháp để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp mạnh

Chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng tiêu thụ mía khó khăn thì hướng tới khuyến cáo bà con nông dân có tiếp tục trồng mía hay chuyển đổi cây trồng khác.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin, rút kinh nghiệm năm 2019, năm 2020, ngành nông nghiệp sẽ sớm phối hợp với các địa phương làm việc với Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) để có định hướng nhu cầu sản lượng để xác định diện tích, đảm bảo sản lượng cung cấp cho các nhà máy đường của Casuco.

Diện tích còn lại kém hiệu quả và khả năng không tiêu thụ hết sản lượng thì ngành sẽ có phối hợp và khuyến cáo bà con nông dân chuyển sang các đối tượng cây trồng khác có giá trị, năng suất cao và đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con. Nếu bà con có nhu cầu thì có thể đăng ký tham gia thực hiện theo Đề án 1000 (đến hết năm 2020 kết thúc) để có hỗ trợ chuyển đổi mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác.

Ông Sơn Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh chất vấn, Hậu Giang là tỉnh thuần nông, vậy ngành có giải pháp gì tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển Hậu Giang trở thành tỉnh “mạnh” về nông nghiệp.

Cho rằng vấn đề này vô cùng khó đối với ngành, nhưng ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay trên cơ sở tích hợp quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thì ngành nông nghiệp sẽ tích cực tham mưu tỉnh phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh và năm 2021 sẽ xác định rõ vùng sản xuất, đối tượng sản xuất cho phù hợp để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp mạnh.

Nhất là thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu việc ban hành 2 quyết định thành lập Tổ xuất khẩu do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực công thương đảm nhiệm và Tổ xây dựng vùng nguyên liệu.

Hai tổ này có nhiệm vụ hướng dẫn chỉ đạo sản xuất, xác định vùng nguyên liệu và xây dựng các chuỗi liên kết, thu hút đầu tư trong liên kết sản xuất nông nghiệp; xúc tiến thương mại, xuất khẩu để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản cho Hậu Giang.

Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh:

Nhiều đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp được ứng dụng tốt

Chất vấn lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, ông Nguyễn Trung Chánh, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đề nghị cho biết về kết quả thực hiện các công trình nghiên cứu và ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh thời gian qua và những định hướng của ngành.

Làm rõ ý kiến này, ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết từ năm 2004 đến nay, Sở đã chuyển giao 153 kết quả, đề tài nghiên cứu về cho các đơn vị. Kết quả cho thấy có 98 đề tài, dự án được ứng dụng tốt, 35 đề tài, dự án chưa có kế hoạch triển khai ứng dụng… Trong đó có nhiều đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp được ứng dụng và đạt những hiệu quả tích cực.

Tới đây, ngành sẽ tiếp tục đặt hàng, nâng cao chất lượng công tác xét duyệt, tức là đầu vào khi tiến hành đăng ký các đề tài. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về khoa học công nghệ nhằm phổ biến kết quả trên nhiều kênh.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho rằng hiện nay nông dân sản xuất đang gặp khó khăn trong xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, vậy ngành có kế hoạch và giải pháp gì để hỗ trợ và giúp nông dân.

Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, khẳng định trước đây chúng ta chưa có những sản phẩm mang nhãn hiệu mạnh. Nếu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì chúng ta đăng ký nhãn hiệu thông thường… Hiện tỉnh đã có những nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu đang thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho khóm Cầu Đúc Hậu Giang.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh cũng có chương trình phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2017-2020 hỗ trợ cho nông sản như chanh không hạt, xoài cát Hậu Giang. Đồng thời, sẽ hỗ trợ đăng ký, phát triển các nông sản mang địa danh, với nhãn hiệu tập thể mãng cầu Hậu Giang là một trong những dự án đã nghiệm thu hoàn thành.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh:

Bác sĩ nghỉ việc nhiều là do chênh lệch thu nhập giữa bệnh viện công và tư

Chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế của tỉnh ngày càng nâng lên, với tỷ lệ hài lòng trên 92%, nhưng đại tá Phan Hoàng Lắm, Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng số bác sĩ trên vạn dân còn thấp so với cả nước, trong khi đó số cán bộ quản lý, dược sĩ, bác sĩ xin chuyển ra ngoài làm việc nhiều.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho hay toàn ngành hiện có 579 bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ hiện nay là 7,43/10.000 dân. Dự kiến cuối năm tuyển thêm 27 bác sĩ nữa sẽ nâng lên 7,8. Từ năm 2015 đến nay, có 63 bác sĩ nghỉ việc và bỏ việc. Trước tình trạng bệnh viện tư mở rất nhiều nên nhu cầu tuyển dụng ở các bệnh viện tư rất lớn, lương tùy theo chênh lệch từ 4-7 lần so với mình hiện tại, có nơi như ở Phú Quốc là 10 lần.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là không cho ngành y tế hợp đồng chuyên môn. Do đó, một số bác sĩ tốt nghiệp ra trường không hợp đồng, chờ xét tuyển. Ngành y tế còn thiếu hơn 800 biên chế. Giải pháp là sắp xếp, tinh gọn bộ máy và cho 2 đơn vị tự chủ rút biên chế này đảm bảo trang trải cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Qua nghe giải trình của lãnh đạo ngành y tế, ông Huỳnh Thanh Tạo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh ngành y tế là ngành kỹ thuật cao, điều trị và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Do đó, Giám đốc Sở cần quan tâm thái độ phục vụ của cán bộ y, bác sĩ; chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhất là y tế dự phòng. Tuyên truyền Nhân dân để hạn chế dịch bệnh xảy ra, giảm y, bác sĩ chuyển công tác. Đặc biệt quan tâm đến an ninh trật tự tại bệnh viện, nhất là trước cổng bệnh viện…

Đã có một số nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào Hậu Giang

Sau phần giải trình của lãnh đạo các sở tại phiên chất vấn vào chiều ngày 5-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu đã trực tiếp giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

Cụ thể về vấn đề bất động sản, đất đai, nhiều năm qua trầm lắng, đóng băng, tuy nhiên riêng năm 2019 có nhiều dự án với nhiều nhà đầu tư lớn ồ ạt vào Hậu Giang đầu tư khu dân cư thương mại. Sự phát triển nóng vào thị trường bất động sản với giá cả rất cao liệu có nằm trong kế hoạch sử dụng đất kỳ 2015-2019 và có phù hợp với cung, cầu trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng riêng về lĩnh vực bất động sản, với kỳ vọng phát triển chuỗi đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp; với hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược và hiện nay cũng đã có một số nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào Hậu Giang.

Trong năm 2018, 2019, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho hơn 40 nhà đầu tư bất động sản tiếp cận, nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở để triển khai thực hiện 53 dự án; cấp chủ trương đầu tư 27 dự án.

Cũng theo ông Lê Tiến Châu, thị trường bất động sản của Hậu Giang được nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi hiện tốc độ đô thị hóa của các đô thị, nhất là TP.Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy rất nhanh thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; đặc biệt, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh rất cạnh tranh so với các địa phương khác; thủ tục đầu tư được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rút ngắn rất nhiều so với quy định, nhanh hơn so với các địa phương khác.

Về vấn đề cung cầu đối với thị trường bất động sản, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng thị trường bất động sản được xác định dựa trên cơ sở cung, cầu thị trường và do thị trường quyết định, tuy nhiên có sự quản lý của các cơ quan nhà nước về tiến độ dự án, về chất lượng sản phẩm và quản lý về tính minh bạch của dự án.

Với thị trường bất động sản ở Hậu Giang, vào khoảng cuối năm 2021 đến đầu năm 2023, các dự án trên sẽ lần lượt hình thành, tạo nguồn cung dồi dào, đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, từ đó tạo sự thu hút nhà đầu tư và hộ gia đình ở các tỉnh, thành phố lớn đến với Hậu Giang để có nơi sinh sống, nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu, qua đó góp phần thu hút dân cư, phát triển đô thị của tỉnh.

Đối với công tác cải cách hành chính thời gian qua, ông Lê Tiến Châu cho biết lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo và các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 6 bậc so với năm 2017 và xếp thứ 44/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 86,38%, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành…

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, trong đó ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; hoàn thiện, nâng cấp phần mềm dịch vụ công đảm bảo đầy đủ chức năng theo quy định, thân thiện, dễ sử dụng và có tính tương tác cao với người sử dụng; tiếp tục triển khai hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh…

Đối với phần giải trình của lãnh đạo các sở, ông Lê Tiến Châu đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo trong trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở. Đồng thời, đề nghị các lãnh đạo sở cần quan tâm triển khai, thực hiện nghiêm các giải pháp, lời hứa với đại biểu và cử tri.

 

N.GIA - Đ.BẢO ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>