Cựu chiến binh làm kinh tế tập thể

09/08/2017 | 07:32 GMT+7

Có một hợp tác xã (HTX) gồm 10 thành viên đều là những cựu chiến binh. Tất cả thành viên đều có điểm chung là anh dũng khi chiến đấu và nhạy bén trên mặt trận kinh tế. Đó là HTX Nông nghiệp Bình Thạnh C, ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ.

Hiện nay, HTX đảm nhận nhiệm vụ bơm tưới cho hơn 460ha đất sản xuất lúa của bà con trong và ngoài ấp.

Anh dũng trên chiến trường

HTX có đến 6 người đi tham gia chiến trường Campuchia. Họ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nơi chiến trường nước bạn. Ông Trần Văn Ghi, Giám đốc HTX nhớ lại: “Mùa khô ở chiến trường Campuchia nước ngọt vô cùng thiếu thốn, đôi khi nước còn không đủ uống, mọi sinh hoạt rất khó khăn. Còn thực phẩm cũng không nhiều, anh em chiến sĩ thường xuyên ăn cơm với nước mắm, rau dại hái trong rừng. Thế nhưng, những khó khăn đó không làm các chiến sĩ nản lòng. Trái lại, họ càng có động lực để vượt qua, kiên cường chiến đấu giúp nước bạn”.

Ông Ghi cho biết thêm: “Không chỉ đối mặt với khó khăn thiếu thốn mà ở nơi rừng thiêng, nước độc, chúng tôi phải đối mặt với bao hiểm nguy, nhất là cái chết. Trước hết là phải vượt qua mọi gian khổ đi trinh sát kế hoạch, hành động của bọn Pôn Pốt. Để nắm rõ từng mục tiêu, hành động chống phá của kẻ thù, từng chiến sĩ phải mưu lược, khôn khéo. Thậm chí, mỗi chiến sĩ phải lẻn vào tận “hang cọp” của quân Pôn Pốt để lấy thông tin trở về doanh trại”.

Khi sống cùng đồng đội, trọng trách trên hết của mỗi người lính là phải đảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng. Đêm tối, ông Ghi cùng đồng đội đã chia sẻ với nhau từng giấc ngủ để giữ vững an toàn cho kho vũ khí, xe chở súng, thùng đạn… Nhưng khắc nghiệt này không thấm vào đâu so với việc đối mặt với thủ đoạn của bọn Pôn Pốt khi chúng luôn dùng mọi âm mưu, hù dọa, lôi kéo nhân dân Campuchia chống lại quân tình nguyện Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc chiến đấu, quân tình nguyện Việt Nam luôn đặt công tác dân vận lên hàng đầu, luôn tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi với nhân dân Campuchia. Đặc biệt luôn đối xử với bà con Campuchia bằng tình cảm và sự chân tình. Từ việc chữa bệnh, cứu đói, sửa chữa nhà giúp dân, giao lưu văn hóa - thể thao nên đã củng cố được niềm tin, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa quân tình nguyện Việt Nam với nhân dân Campuchia.

Vững vàng mặt trận kinh tế

Rời chiến trường về với quê hương, mỗi cựu chiến binh lại đối mặt với thách thức nghèo đói, gánh nặng kinh tế gia đình..., nhưng họ vẫn kiên cường vượt qua, quyết không trông cậy vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hơn chục năm trước, thấy nông dân xung quanh làm nông vất vả, nhất là trong công tác bơm tưới mỗi khi tới vụ lúa mới, các cựu chiến binh này đã nảy ra ý định thành lập tổ hợp tác thực hiện nhiệm vụ bơm tưới đồng loạt cho bà con để ít tốn chi phí. Khi mới đảm nhận bơm tưới, tập thể gặp không ít khó khăn, trong tay không có vốn nên làm gì cũng phải cân nhắc kỹ càng. Thấy vậy, các thành viên cùng nhau góp vốn được 300 triệu đồng và vay thêm bên ngoài để mua 8 máy bơm cùng các phụ tùng khác. Vì vậy, chỉ sau một năm đầu hoạt động, tổ hợp tác đã trả hết nợ. Năm kế tiếp có lợi nhuận chia cho thành viên và còn mua thêm được nhiều máy móc khác.

Trải qua một thời gian, nhận thấy mô hình HTX sẽ là hướng giải quyết những khó khăn trước mắt và có khả năng cho hiệu quả kinh tế lâu dài, ông Ghi bàn với tập thể để tiến lên HTX. “Hồi đó, còn làm tổ hợp tác, không có con dấu, không có tư cách pháp nhân hay giấy phép đăng ký kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp muốn làm ăn với chúng tôi cũng ngán ngại. Thời gian 10 năm làm tổ hợp tác đủ để chúng tôi tiến một bước xa hơn, nâng lên HTX hoạt động theo kiểu mới như định hướng của Chính phủ”, ông Ghi tâm sự. Vì vậy, trong quý II/2017, HTX đã tổ chức Hội nghị thành lập HTX Nông nghiệp Bình Thạnh C dựa trên tiền thân của tổ hợp tác bơm tưới đã hoạt động từ năm 2007. Ngoài ra, HTX còn mở thêm dịch vụ bao tiêu lúa hàng hóa, lúa giống cho thành viên, bà con trong khu vực và thực hiện tín dụng nội bộ để giúp thành viên khi khó khăn.

Hiện nay, HTX Nông nghiệp Bình Thạnh C không chỉ đảm bảo nhận bơm tưới cho 72ha đất ruộng của bà con trong khu vực, còn nhận quản lý thêm 390ha lúa tại các ấp khác. Tổng vốn điều lệ của HTX 370 triệu đồng và còn có 2 con trâu nuôi để sinh sản. HTX cũng lập quỹ chung 20 triệu đồng để sửa chữa, khấu hao máy móc, 30 triệu đồng chi xăng dầu, nhớt phục vụ công tác bơm tưới. Ngoài ra, HTX cũng trích quỹ 5 triệu đồng để chi cho các hoạt động phúc lợi xã hội, tặng quà cho con em địa phương khi tham gia nghĩa vụ quân sự, cho hộ nghèo mỗi dịp lễ, tết, xây cầu, vá đường… Bà Huỳnh Thị Lan, người dân ở ấp Bình Thạnh C, nhận xét: “Các chú trong HTX làm ăn rất uy tín. Nhờ có các chú mà hàng năm bà con ở đây giảm được chi phí bơm nước khi làm lúa. Không chỉ vậy, tình trạng bà con cãi vã, tranh chấp vì khâu bơm tưới không đồng loạt cũng được các chú đứng ra giải quyết”.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, nhận định: Làm ăn kinh tế theo mô hình HTX đòi hỏi người đứng đầu phải có cái nhìn toàn diện, có quyết tâm cao, chấp nhận cả những thất bại. HTX Nông nghiệp Bình Thạnh C thu hút được những cựu chiến binh có uy tín, dám nói, dám làm nên đạt được kết quả tuyệt đối. Phòng Kinh tế thời gian qua cũng hỗ trợ HTX để chung tay giúp đỡ người dân, giúp kinh tế tập thể địa phương ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>