Đồng Bằng Sông Cửu Long: Vụ lúa Đông xuân thắng lớn

31/03/2020 | 19:48 GMT+7

Năm 2020, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL khắc nghiệt hơn cả mùa khô năm 2016, khó khăn về sản xuất và sinh hoạt cho toàn vùng. Tuy nhiên, với sự chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp phù hợp, vụ lúa Đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL đảm bảo thắng lợi về năng suất lẫn giá cả.

Lúa Đông xuân ở ĐBSCL thắng lợi, nông dân lãi hơn 30%. Ảnh: H.TÂN

Nông dân lợi nhuận hơn 30%

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh vui mừng thông báo: “Đến thời điểm này, có thể nói vụ lúa Đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL dù gặp nhiều khó khăn về hạn hán và xâm nhập mặn, nhưng cơ bản đã đạt được thắng lợi quan trọng về năng suất, sản lượng lẫn giá cả. Kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự lãnh đạo và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cùng các địa phương; xây dựng kịch bản chi tiết, phù hợp với thực tiễn cho từng vùng sản xuất, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi và sự tham gia tốt của nhiều nông dân trong việc tuân thủ sản xuất để ứng phó với hạn, mặn…”.

Cụ thể, vụ Đông xuân 2019-2020, toàn vùng Nam bộ xuống giống hơn 1,6 triệu héc-ta, giảm 68.500ha, năng suất ước đạt 6,935 tấn/ha, tăng 0,2,tấn/ha; sản lượng ước đạt 11,2 triệu tấn, giảm 129.000 tấn so với vụ Đông xuân 2018-2019. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu héc-ta, giảm 63.000ha; năng suất ước đạt 6,979 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn, giảm 118.000 tấn. Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ Đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL được triển khai sớm từ 20-30 ngày so với vụ Đông xuân năm trước. Thời tiết thuận lợi giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít, cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.

Ông Nguyễn Trung Kiên, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết 3ha lúa Đông xuân của gia đình đã thu hoạch xong với giống Đài thơm 8 cho năng suất gần 1 tấn/công (1.000m2), đây được xem là năng suất cao nhất trong mấy năm gần đây. Điểm đáng phấn phởi là sau khi người dân thu hoạch lúa xong đều có thương lái thu mua hết số lượng với giá hơn 5.300 đồng/kg; còn giống ST24 lên đến hơn 7.500 đồng/kg, nông dân lợi nhuận hơn 40%. Thời điểm này, vùng lúa nơi đây đã thu hoạch xong, được xem là một mùa thắng lợi. Người dân đã dọn cỏ, làm đất chờ đến mưa xuống mới gieo sạ vụ lúa Hè thu.

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho hay, nhìn chung các giống lúa sử dụng chủ yếu trong vụ Đông xuân 2019-2020 trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm giống chất lượng cao, có đặc điểm thích nghi tốt tại địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Một số giống sử dụng chủ yếu là OM 5451 chiếm 32,8% với tổng diện tích gieo trồng là 25.520,4ha; Đài thơm 8 chiếm 18,4% với tổng diện tích gieo trồng là 14.348ha; giống OM 18 chiếm 22,3% với tổng diện tích gieo sạ là 17.319,38ha; RVT chiếm 13,1% với tổng diện tích gieo trồng là 10.178,72ha; IR 50404 chiếm 5,6% với tổng diện tích gieo trồng là 4.325,56ha; ST24 chiếm 1,7% với tổng diện tích gieo trồng là 1.291,35ha, Jasmine chiếm 3,1% với tổng diện tích gieo trồng là 2.422ha. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Trong vụ lúa Đông xuân, nhóm lúa thơm tăng so với cùng kỳ, nhóm giống chất lượng trung bình giảm. Đặc biệt, tỷ lệ diện tích sử dụng giống xác nhận tăng 9,75% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do nông dân áp dụng các giống lúa mới như Đài thơm 8, OM 18, ST24... Ngoài ra, tỉnh và các địa phương cũng thực hiện một số mô hình canh tác tiên tiến, canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh thực hành hướng dẫn và tuyên truyền người dân áp dụng mật độ gieo sạ.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Vụ Đông xuân này toàn tỉnh sản xuất hơn 77.800ha, đến nay đã thu hoạch gần xong. Nhờ áp dụng nhiều mô hình canh tác mới đã giúp lúa Đông xuân đạt năng suất khá cao (khoảng 7,6 tấn/ha) và giá bán tốt nên nông dân đảm bảo lợi nhuận”. Tại thành phố Cần Thơ, vụ Đông xuân này năng suất lúa cũng khá cao khi đạt bình quân tới 7,2 tấn/ha, giá bán trung bình khoảng 5.300 đồng/kg trở lên, nhờ đó nông dân đạt lợi nhuận khoảng 40% sau khi trừ chi phí. Đây là mức lợi nhuận khá tốt. Theo ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chính sự chủ động sản xuất sớm nên 183.000ha lúa Đông xuân ở tỉnh đạt năng suất khá cao, sản lượng thu về hơn 1,2 triệu tấn. Có tới 44 doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cho nông dân, từ đó đảm bảo lợi nhuận từ 30-40% sau khi trừ chi phí.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, ước tính sản lượng xuất khẩu gạo tháng 3-2020 đạt khoảng 741.000 tấn, giá trị 343 triệu USD, đưa tổng sản lượng xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 1,67 triệu tấn, giá trị khoảng 773 triệu USD… Về giá xuất khẩu gạo của Việt Nam chào bán trong tháng 2 loại 5% tấm ở mức 380 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so tháng trước; mức cao nhất trong 1 năm qua do nhu cầu tăng mạnh từ thị trường Philipines và Malaysia. Đầu tháng 3-2020, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 395 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so tuần trước. Đây là mức giá cao nhất từ tháng 12-2018, nhờ nhu cầu mua hàng từ Malaysia, Cuba và châu Phi tăng lên…

Mặt được là vậy, tuy nhiên Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL băn khoăn khi vài ngày nay giá lúa ở ĐBSCL có chiều hướng giảm khoảng 200-500 đồng/kg, sau khi có chủ trương tạm ngưng ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo; điều này tác động đến tâm lý người dân. Cơ bản sản lượng lúa không thiếu, do đó các tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp hợp lý về xuất khẩu gạo...

Dồn sức cho các vụ cuối năm

Từ hiệu quả vụ Đông xuân mang lại, Bộ NN&PTNT đưa ra kế hoạch sản xuất vụ Hè thu 2020 của toàn vùng Nam bộ hơn 1,6 triệu héc-ta, năng suất 5,641 tấn/ha, sản lượng 9,1 triệu tấn. Trong đó, ở ĐBSCL gieo sạ 1,5 triệu héc-ta; năng suất 5,66 tấn/ha, sản lượng 8,7 triệu tấn... Tổng cục Thủy lợi lưu ý, từ tháng 3 đến tháng 6-2020, tổng lượng mưa ở ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm; tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL từ nay đến cuối mùa khô cũng thấp hơn trung bình nhiều năm 15-20%. Trong khi xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 3 âm lịch... Do đó, các tỉnh ĐBSCL cần theo dõi chặt để sản xuất không bị ảnh hưởng. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất trong tháng 3 và tháng 4-2020, việc xuống giống lúa Hè thu ở ĐBSCL nên tập trung những vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười cùng một phần Tứ giác Long Xuyên. Tháng 5, xuống giống các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ 1 cách biển 70km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh; tháng 6 khi có mưa sẽ xuống giống các vùng ven biển ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau...

Theo kế hoạch xuống giống vụ Hè thu 2020 toàn tỉnh Hậu Giang là 76.700ha, đến nay diện tích đã xuống giống khoảng 3.000ha. Để tránh thiệt hại về bệnh vàng lùn - lùn loắn lá và các yếu tố thời tiết gây bất lợi đến sản xuất, các địa phương đã dựa trên điều kiện thực tế từng vùng và xác định chính xác lịch thời vụ. Tỉnh Hậu Giang cũng xây dựng 3 đợt xuống giống vụ Hè thu 2020. Đợt 1, từ ngày 15 đến 21-3, đối với vùng ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng xâm nhập mặn như huyện Châu Thành A, các xã phía Bắc của huyện Vị Thủy và một số xã phía Tây của huyện Phụng Hiệp. Đợt 2, từ ngày 13 đến 19-4, đối với vùng xâm nhập mặn ảnh hưởng nhẹ như huyện Phụng Hiệp, một số xã phía Nam của huyện Vị Thủy và một số phường của thành phố Vị Thanh. Đợt 3, xuống giống khi mùa mưa bắt đầu và dứt điểm trước 30-5-2020 đối với vùng xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng như huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, một số xã của thành phố Vị Thanh. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho hay, tỉnh đang chỉ đạo sâu sát việc sản xuất lúa Hè thu nhằm đạt sản lượng 485.000 tấn lúa. Mục tiêu của Hậu Giang trong năm 2020 là đạt sản lượng hơn 1,2 triệu tấn lúa, dù diện tích sản xuất có giảm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, đối với các vùng nước ngọt ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... bà con có thể tranh thủ xuống giống sớm, bởi không gặp trở ngại về hạn, mặn; ngoài ra tận dụng giá cả tốt và có thể đẩy thời vụ lúa Thu đông sớm hơn. Quan điểm chung trong sản xuất lúa từ nay đến cuối năm 2020 (vụ Hè thu, Thu đông và vụ mùa) là giữ vững diện tích, năng suất và sản lượng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, bất lợi diễn ra trong và ngoài nước. Đồng thời, phục vụ tốt cho việc xuất khẩu khi điều kiện thuận lợi, cho phép. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương bám sát thời vụ, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, sử dụng nguồn nước hiệu quả, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo...

Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến kế hoạch sản xuất lúa toàn vùng Nam bộ năm 2020 gieo sạ hơn 4,27 triệu héc-ta, năng suất 6,064 tấn/ha; sản lượng 25,9 triệu tấn. Trong đó, ở các tỉnh ĐBSCL gieo sạ 4 triệu héc-ta, năng suất bình quân 6,076 tấn/ha; sản lượng ước đạt tới 24,3 triệu tấn...

 

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>