Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

07/07/2020 | 08:33 GMT+7

Trong thời gian qua, Huyện đoàn Long Mỹ đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả phong trào Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp nhằm khích lệ đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên phát triển kinh tế.

Anh Trần Quang Thoại khởi nghiệp thành công với mô hình đan đát lục bình.

Anh Võ Minh Đương, Phó Bí thư Huyện đoàn Long Mỹ, cho biết: Nhằm hỗ trợ đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế, xây dựng mô hình khởi nghiệp hiệu quả, Huyện đoàn thường xuyên chỉ đạo Đoàn cơ sở chủ động nắm bắt nhu cầu học hỏi, nghề nghiệp và việc làm mà đoàn viên quan tâm. Khuyến khích đoàn viên không ngừng học tập, sáng tạo, đổi mới tư duy khởi nghiệp, dựa vào thế mạnh sẵn có để gầy dựng mô hình kinh tế cho phù hợp. Từ nhu cầu thực tế, Huyện đoàn đã hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay gắn với quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Huyện đoàn thành lập 12 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ đến nay trên 12 tỉ đồng.

Tại xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, anh Trần Quang Thoại là tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu bởi nỗ lực không mệt mỏi, kiên trì theo đuổi ý tưởng và đam mê của mình. Khởi đầu với mô hình đan đát lục bình, anh Thoại thu mua lục bình của nông dân địa phương rồi gia công thành các sản phẩm để cung ứng ra thị trường. Tự anh Thoại đi học đan đủ loại mẫu và đào tạo lao động để đảm bảo sản phẩm làm ra chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Không biết bao lần thất bại khi học nghề và tự đứng lên học lại. Dần dà không chỉ rành về kỹ thuật để đào tạo lại cho nhân công, anh Thoại còn tự sáng tạo nhiều mẫu để mang đi chào hàng tại các cơ sở thu mua và được nhiều người ưa chuộng. Thấy được hiệu quả mang lại từ mô hình, Huyện đoàn đã kịp thời hỗ trợ 50 triệu đồng để anh Thoại tiếp tục mở rộng quy mô và hoàn thiện sản phẩm, xây thêm kho, bãi chứa nguyên liệu. Anh Thoại cho biết: “So với những ngày đầu khi chỉ có vỏn vẹn 8 nhân công, hiện cơ sở cung ứng hàng ngàn sản phẩm mỗi tháng cho các công ty, cơ sở ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo việc làm cho gần 200 lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng”.

Cũng là thanh niên được hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp 50 triệu đồng, anh Doanh Hoàng, ở xã Vĩnh Viễn A, lại phát triển một mô hình chuỗi liên kết từ những thế mạnh của địa phương. Anh chọn nuôi bò và tận dụng phân bò để nuôi trùn quế và trồng hẹ. Hiện đàn bò sinh sản và phát triển lên 8 con. Anh Hoàng còn tự cải tạo đất, chuyển đổi từ lúa sang bắp và cỏ, một phần làm thức ăn cho bò, một phần thu hoạch để bán. Riêng diện tích trồng hẹ và bắp cũng cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Cái hay của mô hình chính là tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa các loại thuốc hóa học trong sản xuất, tạo sản phẩm sạch phù hợp với nhu cầu thị trường.

Anh Võ Minh Đương, Phó Bí thư Huyện đoàn Long Mỹ, thông tin thêm: Điểm nổi bật của các mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên huyện Long Mỹ là khai thác tối đa điều kiện sẵn có ở địa phương. Từ những loại nông sản, làng nghề truyền thống vốn có, mỗi người lại có sự sáng tạo, đổi mới để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao năng suất sản xuất và tạo việc làm ổn định cho nhiều người.

Hầu hết thanh niên khởi nghiệp gặp khó khăn do nguồn vốn chưa đủ nên quy mô thường rất nhỏ, hiệu quả mang lại không cao. Để đồng hành cùng thanh niên trên con đường khởi nghiệp, Huyện đoàn tiếp tục lựa chọn những mô hình, dự án khởi nghiệp khả thi để tiếp cận kịp thời với nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành có liên quan để giúp các đoàn viên, thanh niên xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khởi nghiệp sáng tạo thật sự lan tỏa sâu rộng đến các đoàn cơ sở, nâng cao kỹ năng và tư duy đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>