Hiệu quả mô hình kè sinh thái

04/02/2019 | 09:56 GMT+7

Với nhiều ưu điểm mang lại nên công trình kè sinh thái chống sạt lở do Chi cục Thủy lợi tỉnh thực hiện thí điểm từ giữa năm 2017 đến nay đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân. 

Chi cục Thủy lợi tỉnh tiến hành trồng thí điểm kè sinh thái.

Xuất phát từ tình hình thực tế về tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến và mức độ nghiêm trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân. Trong khi nguồn kinh phí thực hiện các công trình kè kiên cố để phòng, chống lại ở mức cao và chủ yếu đầu tư tại thành thị, thị trấn, chợ; còn tại nông thôn thì rất hạn chế. Do đó, để giải quyết bài toán này thì từ giữa năm 2017 đến nay (trọng tâm là trong năm 2018), Chi cục Thủy lợi tỉnh tiến hành thực hiện thí điểm công trình kè sinh thái ở vùng nông thôn nhằm chống sạt lở.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Trong năm 2018, đơn vị đã hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được UBND tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh giao. Một trong những nhiệm vụ đạt kết quả bước đầu ấn tượng là thực hiện mô hình kè sinh thái chống sạt lở. Theo đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 300 triệu đồng, năm qua đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương của huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy thực hiện thí điểm 3 công trình kè sinh thái chống sạt lở. Trong đó, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp thực hiện 2 công trình ở tuyến kênh Lái Hiếu với tổng chiều dài 275m, bề rộng 4m; còn ở thị xã Ngã Bảy là trên tuyến kênh Mang Cá với chiều dài 65m, rộng 4m.

Đối tượng được lựa chọn trồng làm bờ kè là cây tràm, bần, cà na, dừa… trong đó hai đối tượng chính là cây tràm và bần. Bởi cây tràm chịu được nước ngập và phèn; còn cây bần có bộ rễ rộng, khả năng chịu ngập tốt và tái sinh chồi mạnh nên cây bần giữ đất và chống sạt lở rất hiệu quả. Trước khi hỗ trợ cây giống để bà con thực hiện thí điểm mô hình thì Chi cục Thủy lợi tỉnh đã đưa ra các bước quy trình để bà con thực hiện nhằm đảm bảo cây giống sau khi trồng không bị chết và phát triển tốt. 

Qua hơn một năm thực hiện thí điểm, hiện 3 mô hình kè sinh thái trên được chính quyền địa phương và người dân đánh giá cao về những kết quả bước đầu. Cụ thể, mô hình dễ thực hiện, phát huy nhanh khả năng chống sạt lở, kinh phí thấp vì chỉ tốn khoảng 150.000 đồng/m, trong khi làm kè kiên cố chi phí cao gấp mấy lần mà còn phải gia cố thường xuyên hàng năm. Mặt khác, kè sinh thái không chỉ chống sạt lở tốt mà sau 3-4 năm trồng, người dân có thể kiếm được nguồn thu nhập từ 900.000-1.000.000 đồng/m nhờ việc bán cây tràm. Bên cạnh đó, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường nước, không khí do diện tích trồng cây xanh tăng lên; đồng thời với việc bảo vệ tốt các tuyến lộ giao thôn nông thôn, xử lý tốt các điểm sạt lở nên mô hình còn góp phần làm giảm kinh phí duy tu bảo vệ đường hàng năm cho các địa phương, tạo cảnh quan và nguồn thu nhập cho người dân ở các xã xây dựng nông thôn mới. Về lâu dài, sẽ tạo mặt bằng để gia cố mé kênh, thuận tiện trong việc nạo vét lòng kênh, vì trên thực tế hiện nay có nhiều tuyến kênh bị bồi lắng nhưng không có mặt bằng thi công nạo vét.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết thêm: Điều vui mừng là chỉ sau một năm thực hiện thí điểm mô hình kè sinh thái thì hiện tình hình sạt lở tại những nơi này không còn. Trước hiệu quả này, mong rằng trong thời gian tới, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình. Bởi thiết nghĩ trong thời gian tới, trong công tác phòng, chống sạt lở thì không chỉ Hậu Giang mà các tỉnh vùng ĐBSCL cần phải đi theo mô hình kè sinh thái vì những lợi ích thiết thực mà mô hình này mang lại.

TUẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>