Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng tốc xuất khẩu

26/02/2024 | 15:37 GMT+7

Gạo, các sản phẩm gỗ và thủy sản đã có những bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu những tháng đầu năm 2024.

Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Xuất khẩu gạo tăng hơn 33%

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1/2 – 15/2) đạt 150.944 tấn, trị giá 104,33 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu gạo đạt 663.209 tấn, trị giá 466,6 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 703,5 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đã tăng 14,4% (tăng hơn 83.000 tấn); trong khi đó, trị giá xuất khẩu tăng tới 53% (tăng gần 161 triệu USD). Mức giá xuất khẩu gạo bình quân 703,5 USD/tấn, tăng tới 33,65% so với cùng kỳ năm 2023 (chỉ đạt khoảng 526 USD/tấn).

Trước đó, năm 2023 xuất khẩu gạo cũng thu về các con số khá ấn tượng với 8,1 triệu tấn, trị giá 4,68 tỉ USD, lần lượt tăng 14,4% và 35,3% so với năm trước.

Năm 2023, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước với 4,9 triệu tấn, tăng 24% so với năm trước. Ngoài ra, gạo Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc, Ghana…

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng trong kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa 7,1 triệu ha, sản lượng lúa thu hoạch trong năm đạt trên 43 triệu tấn. Việt Nam vẫn đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Sản phẩm gỗ chinh phục thị trường Mỹ

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, trong nửa đầu tháng 2 (từ ngày 1/2 – 15/2), xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 353,97 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2 đạt 1,82 tỉ USD, tăng 0,61 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 1, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỉ USD, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 83,1% so với cùng kỳ năm trước

Tính riêng trong tháng 1, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,47 tỉ USD, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 83,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt con số tăng trưởng ấn tượng nhất đó là tại thị trường Mỹ. Các sản phẩm gỗ Việt Nam chỉ trong tháng 1 đã thu về 821 triệu USD, tăng 123,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, nhiều thị trường cũng có tín hiệu khả quan trong tăng trưởng xuất khẩu tháng 1 vừa qua như: Trung Quốc (170 triệu USD, tăng 35,3%), Nhật Bản (163 triệu USD, tăng 27,3%), Hàn Quốc (70 triệu USD, tăng 9,7%)...

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), dù thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. "Năm 2024, ngành gỗ vẫn nằm trong thế có nhiều bất ổn. Giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải", ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 13,4 tỉ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỉ USD, giảm 22,9%. Năm 2024, toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỉ USD.

Nhiều sản phẩm thủy sản bắt đầu hồi phục xuất khẩu

Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%. Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc: tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...

Tháng 1/2024, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật. Riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng này, khi mà xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.

Theo dự báo của VASEP, năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại. Ngành cá tra cũng đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2 tỷ USD.

VASEP cũng đưa nhận định, năm 2024, nhiều khó khăn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Ngoài ra sẽ có thêm những thách thức khác làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu trong năm tới.

Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>