Tăng thêm giá trị cho cây khóm

19/02/2020 | 08:55 GMT+7

Tận dụng củ hủ khóm chế biến ra các món ăn ngon đặc sản của vùng miền để tăng thêm giá trị được nhiều nông dân Hậu Giang vận dụng thành công.

Sản phẩm dưa chua củ hủ khóm tại cơ sở của bà Kim Hai.

Sản phẩm dưa chua củ hủ khóm của bà Trần Thị Kim Hai, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, vinh dự được vào vòng bán kết khi tham gia dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019 tại tỉnh Bến Tre và được vào vòng chung kết Cuộc thi khởi nghiệp lần I năm 2019 tại tỉnh Hậu Giang.

Bà Kim Hai bộc bạch: “Gia đình tôi trồng được 6 công khóm, tôi thấy sau khi cây khóm già không còn cho trái được nữa thường bị bỏ đi hoặc lấy làm phân vì không mang lại giá trị kinh tế nào khác. Đặc biệt, vùng Hỏa Tiến diện tích trồng khóm rất lớn nhưng lại bỏ đi một lượng củ hủ khóm như vậy thì tiếc lắm”.

Lúc đầu, thấy củ hủ khóm chỉ làm các món ăn như xào tép, làm gỏi, nấu canh chua, làm nhưn bánh xèo. Bà Kim Hai thấy cây môn nước còn làm dưa chua được, tại sao củ hủ khóm lại không làm được và trên thị trường chưa có ai làm dưa củ hủ khóm bán. Từ ý tưởng đó, bà Kim Hai thử lấy củ hủ khóm làm dưa chua. Kết quả dưa chua củ hủ khóm rất ngon, có mùi thơm, giòn, lại không sử dụng hóa chất và có thành phần bromelain làm tiêu hóa tốt chất đạm. Kể từ đó, bà làm dưa củ hủ khóm theo đơn đặt hàng của khách.

Theo bà Kim Hai, để làm được 2kg dưa chua củ hủ khóm thì cần 3,5kg củ hủ khóm. Để có dưa chua củ hủ ngon thì chỉ lấy phần non nhất của củ hủ, sau đó cho nguyên liệu, đường, giấm, ớt, tỏi theo công thức vừa đủ để đảm bảo cho dưa chua thật ngon. Trong dịp tết vừa rồi, khách quen đặt hàng trên 100 keo, loại keo 500 gram có giá 40.000 đồng/keo, loại 1kg thì giá gấp đôi.

Ngoài tiền bán khóm trái, bà Kim Hai còn kiếm thêm thu nhập từ dưa củ hủ khóm vài triệu đồng mỗi đợt. Không chỉ thêm món ăn ngon cho người tiêu dùng, dưa chua củ hủ còn đem giá trị kinh tế cho cây khóm. Do đó, dưa chua củ hủ khóm ở cơ sở sản xuất Văn Lộc của bà Kim Hai được đề xuất xây dựng thương hiệu hàng hóa. Ông Dương Minh Truyền, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: Bên cạnh sản phẩm rượu khóm trên địa bàn xã được chọn làm sản phẩm OCOP, dưa chua củ hủ khóm còn được đề xuất xây dựng nhãn mác, bao bì. 

Bà Kim Hai cho biết thêm, để củ hủ khóm thật sự mang thêm giá trị, gia đình bà sẽ thu gom củ hủ khóm của các hộ trồng khóm quanh vùng. Đồng thời, xin các cấp, các ngành hỗ trợ cho gia đình có nguồn vốn để đầu tư làm cơ sở sản xuất dưa chua củ hủ khóm đúng theo tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Trong năm 2019, trên địa bàn thành phố Vị Thanh có tổng diện tích trồng khóm 1.931ha, tăng 455ha so với năm 2018, năng suất đạt 16,5 tấn/ha, sản lượng đạt 31.866 tấn. Theo kế hoạch của thành phố Vị Thanh, trong năm 2020 diện tích trồng khóm là 2.000ha. Để tăng thêm thu nhập cho người trồng khóm trên địa bàn thành phố, đặc biệt ở xã Hỏa Tiến, ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết: Trước mắt, phòng sẽ hỗ trợ, hướng dẫn cho cơ sở sản xuất Văn Lộc của bà Kim Hai xây dựng nhãn mác, bao bì hàng hóa để nâng giá trị sản phẩm trên thị trường.

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>