Vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài: Hiệu quả và kỳ vọng

24/07/2018 | 07:57 GMT+7

Thời gian qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã hỗ trợ thiết thực cho Hậu Giang phát triển kinh tế - xã hội và đang tiếp tục hứa hẹn nhiều kỳ vọng trong thời gian tới.

Nhiều tổ chức PCPNN thực hiện ký kết hỗ trợ chương trình, dự án với Hậu Giang trong thời gian tới với tổng số tiền viện trợ hơn 30 tỉ đồng. 

Tín hiệu vui

Hậu Giang là tỉnh mới thành lập cách nay không lâu của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên điều kiện về cơ sở vật chất và đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để từng bước giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn nỗ lực, tận dụng các điều kiện thuận lợi, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, ngoài sự đầu tư của Chính phủ, Hậu Giang còn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ nhiều cá nhân, đơn vị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức PCPNN để giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: Trong những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến thời điểm này thì phải kể đến sự đóng góp thiết thực của 24 tổ chức PCPNN đã và đang đồng hành với Hậu Giang từ khi thành lập tỉnh đến nay. Theo đó, đã có gần 185 chương trình, dự án được tài trợ cho tỉnh với tổng vốn cam kết giải ngân đạt 233 tỉ đồng.

Theo đánh giá của một số sở, ngành và chính quyền địa phương của tỉnh khi có dự án được hỗ trợ từ các tổ chức PCPNN thì nhìn chung, những chương trình, dự án viện trợ đã và đang thực sự có những đóng góp ý nghĩa và thiết thực. Nổi bật, giúp cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho người dân nông thôn vùng dự án; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình, dự án và khoản viện trợ trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã cải thiện điều kiện nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn, giảm bệnh tật do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn. Ngoài ra, việc hỗ trợ cơ sở vật chất để phục vụ dạy và học là hết sức cần thiết, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là trong điều kiện cơ sở vật chất ngành giáo dục còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hầu hết người dân trong vùng dự án đã thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, hoạt động có tổ chức, khoa học để tự phát triển kinh tế hộ gia đình và nhân rộng các mô hình tổ, nhóm hợp tác.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, chia sẻ: Được sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức PCPNN, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thu hút hơn 40 chương trình, dự án về phát triển nông thôn, trong đó điển hình là: Dự án cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo, chương trình khí sinh học do Tổ chức phát triển Hà Lan, dự án thí điểm Làng nông thôn mới,… với tổng vốn viện trợ hơn 30 tỉ đồng. Tuy nguồn viện trợ không lớn nhưng thông qua các chương trình, dự án đã hỗ trợ đào tạo nghề, giúp người dân địa phương có kinh nghiệm và biết cách tự sản xuất cũng như khả năng phát triển kinh tế hộ gia đình; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng niềm phấn khởi như ngành nông nghiệp khi được các tổ chức PCPNN hỗ trợ, bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thông tin: Ngành giáo dục đã tiếp nhận và triển khai được 95 chương trình, dự án với tổng giá trị trên 39 tỉ đồng. Qua đây, đã tạo điều kiện cho hơn 4.000 học sinh được học tập với cơ sở vật chất khang trang hơn, đồng thời góp phần quan trọng trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao và phát triển bền vững. Đặc biệt, với những suất học bổng ý nghĩa đã giúp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, kéo giảm được tỷ lệ học sinh bỏ học…

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết thêm: Để có được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều tổ chức PCPNN như thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành liên quan của tỉnh đã tăng cường gặp gỡ, chia sẻ giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc và thực hiện việc bố trí kịp thời vốn đối ứng phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ đối với các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã thực hiện tốt công tác quản lý, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức PCPNN; đồng thời từng bước nâng cao năng lực quan hệ đối ngoại, tạo niềm tin và uy tín đối với các đối tác. Ngoài ra, địa phương cũng luôn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cơ quan hợp tác phát triển và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; nhờ vậy, hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư, vận động viện trợ PCPNN của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Tiếp thêm nhiều kỳ vọng

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đẩy mạnh mở rộng hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức quốc tế triển khai dự án đầu tư, viện trợ tại tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức buổi hội nghị “Xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh Hậu Giang năm 2018” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy là lần đầu tiên tổ chức hội nghị nhưng đã nhận được sự quan tâm từ nhiều tổ chức PCPNN. Theo đó, có gần 150 đại biểu đại diện cho hơn 28 tổ chức PCPNN đã có sự hỗ trợ cho Hậu Giang về nhiều chương trình, dự án trong thời gian qua và cũng có không ít tổ chức PCPNN đang xem xét hỗ trợ cho tỉnh trong thời gian tới cùng tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh và các tổ chức PCPNN đã cùng nhau trao đổi, đánh giá thẳng thắn về kết quả triển khai các chương trình, dự án trong thời gian qua, đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng lắng nghe, chia sẻ về những mong muốn và định hướng của các nhà tài trợ về các chương trình, dự án trong thời gian tới để có sự định hướng phù hợp. Đặc biệt, sau khi nắm bắt được về những lĩnh vực mà Hậu Giang đang có nhu cầu hỗ trợ thì nhiều tổ chức PCPNN đã hứa sẽ tiếp tục có nhiều chương trình, dự án giúp Hậu Giang trong thời gian tới.

Bà Cecile Phạm, Phó Chủ tịch Tổ chức ASSORV, cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã gắn bó và có nhiều chương trình dự án hỗ trợ cho Hậu Giang. Trong giai đoạn tới đây, Tổ chức ASSORV sẽ tiếp tục hợp tác với tỉnh Hậu Giang để tài trợ nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai, huyện Châu Thành A và Nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai, ở thành phố Vị Thanh, với tổng số tiền viện trợ trên 1,7 tỉ đồng/năm”. Cùng quan tâm bảo trợ cho trẻ mồ côi, bà Trần Lê Diệu Tiên, đại diện Tổ chức KIDSPIRE, thông tin: “Tới đây, Tổ chức KIDSPIRE sẽ hợp tác với tỉnh Hậu Giang giúp cho các trẻ mồ côi tại Nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai, ở thành phố Vị Thanh học được những kiến thức và kỹ năng sử dụng máy vi tính và công nghệ cần thiết trong cuộc sống hiện tại và tương lai, với tổng viện trợ 550 triệu đồng/năm”.

Ngoài bảo trợ trẻ em mồ côi, nhiều tổ chức PCPNN còn quan tâm hỗ trợ cho tỉnh nhiều chương trình, dự án liên quan đến người khuyết tật, bệnh nhân nghèo, sức khỏe cộng đồng, xây dựng phòng học, môi trường, hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả… Bà Nguyễn Thị Duy Hương, đại diện Tổ chức SCC, cho hay: “Trong giai đoạn 2019-2023, Tổ chức SCC dự kiến sẽ hợp tác thực hiện chương trình xây dựng trường học và môi trường học đường tại tỉnh Hậu Giang, với tổng viện trợ 3 tỉ đồng/năm”. Mục sư Hoàng Nguyên Vũ, đại diện Hội thánh Tin lành ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Trong tháng 3 vừa qua, chúng tôi có kết nối và hỗ trợ nhiều xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, qua đây tạo điều kiện đi lại cho họ được thuận lợi. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương để nhiều người khuyết tật của tỉnh có xe lăn đi lại”.

Có thể khẳng định, từ nhiều chương trình, dự án vừa được các sở, ngành liên quan của tỉnh ký kết với nhiều tổ chức PCPNN sẽ là tiền đề và tiếp thêm nhiều kỳ vọng cho việc triển khai ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn các chương trình, dự án do các tổ chức PCPNN hỗ trợ cho Hậu Giang, qua đây tạo nguồn động lực quan trọng để Hậu Giang tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới...

Ông Lê Tiến Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN đến hỗ trợ Hậu Giang

- Đến với Hậu Giang, chúng tôi cam kết với các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài là sẽ tạo hành lang pháp lý, các thủ tục, điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại địa phương. Đồng thời sẽ linh hoạt trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương tiếp nhận chương trình, dự án theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng đảm bảo được tính chặt chẽ theo đúng quy định. Với tinh thần đó, tôi kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại Hậu Giang trong thời gian tới...

 

Ông Bernard Kenvyn, Giám đốc Mêkong Plus France: Có sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện công việc

- Sau thời gian làm việc với tỉnh Hậu Giang, tôi và một số tổ chức nước ngoài khác nhận thấy, lãnh đạo tỉnh có tinh thần cầu thị, nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các nhà tài trợ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh luôn có sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện thông tin qua lại và quản lý nguồn viện trợ khá tốt; còn các cơ quan, đơn vị được thụ hưởng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng nguồn viện trợ đúng mục đích, hiệu quả. Tuy nhiên, nhược điểm của Hậu Giang là khi triển khai dự án thì có nơi làm tích cực, có nơi còn chậm nên cần khắc phục trong thời gian tới.

 

Bà Nguyễn Thị Hội, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh: Hậu Giang cần đơn giản thủ tục hành chính

- Tôi đã làm việc với tỉnh Hậu Giang nhiều năm qua về lĩnh vực chữ thập đỏ, xây dựng trường học. Tôi thấy ở Hậu Giang còn mặt hạn chế so với một số tỉnh, thành khác của vùng ĐBSCL là thủ tục hành chính còn hơi rườm rà. Cụ thể, khi có chương trình, dự án nào muốn hỗ trợ cho tỉnh thì phải liên hệ qua nhiều sở, ngành của tỉnh, từ đó làm mất thời gian nên nhiều dự án dù đã có tiền rồi nhưng giấy tờ, thủ tục chưa xong. Nhiều lần như vậy nên đơn vị tài trợ không chấp nhận đợi và đành chuyển dự án sang tỉnh khác, như vậy tỉnh Hậu Giang bị thiệt thòi, nhất là các cháu học sinh lỡ dịp được học trong ngôi trường mới. Do đó, tôi đề nghị tới đây, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương tiếp nhận chương trình, dự án để nguồn vốn viện trợ được sử dụng nhanh và hiệu quả.

 

 Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>