Vị Thanh: Hình thành và phát triển: Thương mại - dịch vụ Vị Thanh giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa

23/02/2024 | 08:34 GMT+7

Thị xã Vị Thanh được giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản những cơ sở quân sự, hành chính của chế độ cũ. Đặc biệt là động viên Nhân dân khôi phục sản xuất, tiếp tục hoạt động kinh tế, việc mua bán trở lại bình thường, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho xã hội. Đông đảo Nhân dân phấn khởi bắt tay vào việc xây dựng lại quê hương, xây dựng cuộc sống mới.

Một góc chợ Vị Thanh ngày nay.

Tiếp đó, thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp, theo chủ trương nghị quyết của Trung ương - thị xã tiến hành vận động cải tạo các thành phần kinh tế vào làm ăn hợp tác, trước mắt là cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh. Qua đó, thành lập các hợp tác xã mua bán thương nghiệp quốc doanh.

Thị xã Vị Thanh đã xây dựng được 1 cửa hàng tổng hợp và 9 cửa hàng bách hóa, kim khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, giải khát. Ngoài ra, mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa được xây dựng đến tận phường, khóm, phân phối tận tay người tiêu dùng theo giá nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm hàng hóa diễn ra gay gắt, nhất là hàng tiêu dùng, xăng dầu, xà bông, vải mặc, bột ngọt, phân bón, thuốc trừ sâu...

Từ thực trạng đó đã phát sinh thị trường chợ đen, nạn đầu cơ, tích trữ không được ngăn chặn kịp thời. Ngoài việc nổi lên nạn buôn lậu đường dài với các loại thực phẩm gạo, đường, thịt heo từ Vị Thanh lên Cần Thơ và các hàng tiêu dùng thiết yếu ngược lại. Chợ Vị Thanh tuy vẫn duy trì nhóm họp, nhưng chủ yếu tự sản tự tiêu, buôn bán nhỏ. Các cửa hàng bách hóa (quốc doanh) hay hợp tác xã, không đủ mặt hàng cung cấp cho dân. Việc phân phối chỉ theo cơ chế kinh tế tập trung, bao cấp kiểu “tem phiếu”. Năm 1978, Nhà nước quy định việc cung ứng hàng nhu yếu phẩm cho hộ gia đình, trên địa bàn thị trấn Vị Thanh là 4,5 lít dầu lửa mỗi quý, 1,5kg xà bông mỗi tháng, 5m vải mỗi người/năm.

Do khan hiếm hàng hóa, lại phải làm nghĩa vụ lương thực về trên, nên chính quyền các cấp phải lập trạm kiểm soát, khiến cho thị trường càng phức tạp.

Song song đó, thực hiện chủ trương 3 thu là thu thuế, thu nợ, thu mua lương thực, thực phẩm... theo giá “chỉ đạo” của Nhà nước, khiến nông dân không phấn khởi sản xuất, luôn tìm cách đối phó với nhà nước, để bán ra ngoài giá cao hơn.

Từ khó khăn thực tế, cấp trên từng bước tìm cách tháo gỡ, như: trao đổi hàng 2 chiều bằng cách: Thương nghiệp huyện mang các loại hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu và một số mặt hàng phục vụ đời sống và xây dựng như: xi măng, sắt thép, xà bông, vải mặc, bột ngọt,... để đổi lấy gạo, đường, khóm của Nhân dân theo giá thỏa thuận, như ghi nhận trong sách “Lịch sử Đảng bộ thị xã Vị Thanh”: “Đây chính là biện pháp quan trọng, thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước hạn chế tiêu cực về mua bán trong nông thôn, tạo điều kiện cho phong trào hợp tác hóa đi lên, góp phần quan trọng trong việc thu mua, nắm nguồn hàng và củng cố hơn nữa khối đoàn kết liên minh công nông”.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn tình hình, Trung ương ban hành Nghị quyết 8 (khóa V) xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa để kích thích sản xuất và phát triển kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Từ giai đoạn này, Vị Thanh dần vượt qua khó khăn, thử thách. Các lĩnh vực kinh tế công - thương nghiệp theo hướng đi mới, đạt được nhiều thành tựu khả quan.

Giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, cho đến khi tái lập thị xã (1987-1999), công nhận các thành phần kinh tế, các hoạt động thương mại - dịch vụ được “bung ra”, Nhân dân phấn khởi làm ăn, đăng ký kinh doanh, góp sức cho lưu thông hàng hóa, cung ứng tốt nhu cầu.

Về thành phần kinh tế quốc doanh và hợp tác trong toàn huyện chỉ có 2 đơn vị: Hợp tác xã mua bán thị trấn Vị Thanh và Hỏa Lựu hoạt động có hiệu quả. Năm 1989, trong toàn huyện Vị Thanh chỉ có 8/15 xã, thị trấn có hợp tác xã mua bán còn hoạt động. Năm 1990, chỉ còn Hợp tác xã Hỏa Lựu hoạt động. Trong khi đó, các công ty kinh doanh của nhà nước gặp nhiều khó khăn như quản lý yếu kém, thiếu vốn nên không kịp thời thu mua các nguồn hàng thiết yếu.

Từ chủ trương đổi mới, công nhận cơ chế kinh tế nhiều thành phần; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên các hoạt động thương mại - dịch vụ có chuyển biến mạnh. Hàng hóa dồi dào, hạn chế được nạn đầu cơ, tích trữ, kịp thời phục vụ cho sản xuất và đời sống. Thực hiện phương châm chỉ đạo của huyện “lấy chợ nuôi chợ”; nên chợ Vị Thanh được tu sửa, chỉnh trang thông thoáng, trật tự, đẹp hơn.

Có thể nói, sau giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh; cải tạo công thương nghiệp với vô vàn khó khăn, phức tạp - Công cuộc đổi mới được Đảng khởi xướng chẳng những “giải phóng sức sản xuất” về công - nông nghiệp, mà còn là đòn bẩy đưa ngành thương mại - dịch vụ Vị Thanh vượt qua thử thách, khó khăn để đi vào thế ổn định, phát triển.

VỊ THANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>