Cần “cú hích mới” cho công tác đào tạo nghề

Bài 1: Sống được nhờ học nghề

10/05/2016 | 07:45 GMT+7

Sau 7 năm triển khai thực hiện, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ tại Hậu Giang đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, đây đó việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đề án 1956 được xem là cơ hội vàng, giúp hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) được xem là “cơ hội vàng” giúp hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh được học nghề và có việc làm mới.

Nâng cao thu nhập

Từ nhỏ lớn lên, anh Đào Văn Chọn,  ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, đã cùng gia đình “cuốc bẫm cày sâu” với mấy công ruộng, vất vả sớm hôm mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Do đó, khi địa phương mở lớp dạy nghề theo Đề án 1956 anh đã mạnh dạn đăng ký học nghề Bảo dưỡng và Vận hành máy gặt đập liên hợp. Sau 3 tháng học, tiếp thu được nghề, anh đã đi lái máy thuê cho người bà con. Anh Chọn bộc bạch: “Nhờ học nghề tôi mới có được như ngày hôm nay, nếu chỉ dựa vào làm ruộng như lúc trước thì cuộc sống gia đình cũng chỉ lay lắt qua ngày”. Theo anh Chọn, mỗi khi vào mùa thu hoạch lúa, thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng/tháng, đó là khoản thu nhập không hề nhỏ ở vùng nông thôn.

Không riêng anh Chọn, mà hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh cũng nhờ học nghề mà ổn định cuộc sống. Như trường hợp của gia đình chị Nguyễn Tuyết Hà, ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Hoàn cảnh chị Hà rất khó khăn, hai vợ chồng làm thuê làm mướn quanh năm mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, cuộc sống luôn trong tình cảnh thiếu thốn. Chính vì vậy, khi biết thông tin địa phương mở lớp may công nghiệp, chị Hà liền đăng ký tham gia. Sau khi hoàn thành khóa học, chị đã may quần áo cho chị em, hàng xóm xung quanh nhà, dần dà tay nghề được vững chắc, chị lãnh may gia công cho cơ sở bán quần áo may sẵn ở thành phố Cần Thơ. Chị Hà tâm sự: “Nhờ học lớp may công nghiệp mà chúng tôi có điều kiện để cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, bình quân mỗi tuần, tôi giao cho chủ cơ sở từ 100-150 bộ quần áo, trừ chi phí cũng còn được khoảng 400.000 đồng”.

Không chỉ dừng lại ở các lớp nghề phi nông nghiệp, tỉnh còn quan tâm mở các lớp nghề nông nghiệp như: trồng cây có múi, chăn nuôi... Những nghề này đã mang lại hiệu quả khi giúp người dân tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Trước đây, gia đình ông Trần Văn Vui, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A đã trồng nhãn, nhưng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm sẵn có nên năng suất hạn chế. Từ khi tham dự lớp đào tạo nghề trồng nhãn do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, vườn nhãn của gia đình đã đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng năng suất, chất lượng và thu nhập. Ông Vui chia sẻ: “Từ trước tới nay, chúng tôi thường trồng nhãn theo kinh nghiệm. Được tham gia lớp học nghề vừa rồi, tôi mới vỡ lẽ nhiều điều, nếu làm đúng quy trình, kỹ thuật không chỉ tiết kiệm được chi phí, mà còn hạn chế được sâu bệnh, góp phần tăng năng suất”.

Nếu như trước đây, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, cây mía, hoa màu, chăn nuôi… thì hiện nay, người dân đã có thể sống được với nghề mà mình đã học. Nhiều nghề mới đang được phổ biến, cho thu nhập khá cao, giúp người nông dân vốn “một nắng hai sương”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đang dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống.

Nhiều khó khăn vướng mắc

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là một trong những chủ trương lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Sau 7 năm thực hiện, dù số lao động nông thôn được đào tạo nghề khá lớn, nhưng tỷ lệ cải thiện chất lượng cuộc sống từ nghề được học lại không cao. Như trường hợp của anh Hà Tuấn Thanh, ở ấp 9A1, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Anh Thanh học nghề sửa xe gắn máy ở Trung tâm Dạy nghề huyện nhưng không phát huy được kiến thức đã học. Hiện nay, anh làm thợ hồ để nuôi sống gia đình. Anh Thanh chia sẻ: “Được sự giới thiệu của địa phương, tôi học nghề sửa xe gắn máy, có được cái nghề để học tôi mừng lắm chứ, nhưng khổ nỗi là thời gian đào tạo ngắn quá nên dường như những thứ đã học đều trả lại cho thầy hết rồi”. Được biết, sau khi hoàn thành khóa học, anh Thanh được nhận giấy chứng nhận học nghề, nhưng với những kiến thức được trang bị trong 3 tháng ngắn ngủi đó không thể giúp anh tự tin đứng vững với nghề. Vì vậy, anh đành đi làm phụ hồ để lo miếng cơm, manh áo qua ngày.

Còn bà Đoàn Thị Mộng Thu, ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, cũng bỏ nghề đan giỏ nhựa. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Thu tâm sự: “Tôi rất muốn theo nghề đan giỏ nhựa này, nhưng sản phẩm khó tiêu thụ. Thời gian tới, tôi rất mong chính quyền địa phương có những giải pháp giải quyết khó khăn này cho chúng tôi”. Được biết, trong số 25 người theo học lớp đan giỏ nhựa, đến nay chỉ còn 2 người bám trụ với nghề, còn lại đều chuyển sang nghề khác, hoặc đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống.

Bà Thu, anh Thanh chỉ là 2 trong nhiều trường hợp học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng không tìm việc làm đúng nghề và phải tự tìm công việc khác để mưu sinh. Quả thật, vấn đề tiêu thụ sản phẩm làm ra còn khó khăn và giá cả không ổn định, việc mở lớp tràn lan, hay sự thiếu nghiêm túc trong học nghề của người dân trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả dạy nghề không cao. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành, do nhận thức của người dân chưa cao nên dễ sinh ra tâm lý chán nản khi theo học nghề. Đồng thời, với một số nghề phi nông nghiệp, thời gian đào tạo nghề quá ngắn nên tay nghề của người lao động chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Ngoài ra, một số trung tâm dạy nghề huyện dù được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề từ ngân sách Trung ương và địa phương nhưng vẫn còn thiếu và không đồng bộ, vì thế cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hiệu quả thiết thực mà đề án mang lại chính là giúp người lao động nâng cao tay nghề, góp phần cải thiện cuộc sống. Đây chính là cơ sở quan trọng để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên, để đề án thật sự là “cơ hội vàng” của người lao động, đòi hỏi ngành chức năng phải có giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong thời gian qua. Từ đó, giúp người lao động sống được bằng nghề mà mình đã chọn, tránh lãng phí thời gian, tiền của của Nhà nước và người dân...

Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và dạy nghề cho 51.434 lao động nông thôn. Trong đó, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 69%.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Bài 2: Hướng mở cho công tác đào tạo nghề

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>