Cần “cú hích mới” cho công tác đào tạo nghề

Bài 2: Hướng mở cho công tác đào tạo nghề

11/05/2016 | 07:55 GMT+7

Những bất cập, khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu mà “đề án vàng” hướng tới. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các giải pháp tháo gỡ, giúp người dân sống được với nghề đã học.

Đào tạo nghề theo địa chỉ sẽ giúp người dân có được việc làm sau học nghề.Ảnh: KIM ĐIỀU

Đào tạo nghề theo địa chỉ

Để nâng cao hiệu quả của Đề án 1956, ông Nguyễn Trung Liệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau học nghề”. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều đợt khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn. Dựa vào nhu cầu thực tế của địa phương, của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương đã xây dựng kế hoạch đào tạo các nghề phù hợp.

Ở huyện Châu Thành A, các lớp dạy nghề được mở dựa trên sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, tạo nhiều cơ hội việc làm cho các học viên. Tính riêng năm 2015, trung tâm đã mở 26 lớp dạy nghề, trong đó, gồm 8 lớp nghề nông nghiệp và 18 lớp nghề phi nông nghiệp. Nhìn chung, những học viên sau khi hoàn thành khóa học của lớp nghề nông nghiệp đều áp dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào quá trình sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn đối với các lớp nghề phi nông nghiệp, nhờ trung tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề theo địa chỉ nên có khoảng 90% học viên tìm được việc làm sau học nghề. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A, cho biết: “Để đạt được kết quả trên, trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của học nghề. Ngoài ra, trung tâm luôn đào tạo theo nhu cầu của xã hội, không đào tạo tràn lan. Đặc biệt, liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra, cơ hội việc làm cho học viên”.

Trong khi đó, ở thành phố Vị Thanh, việc đào tạo nghề được triển khai phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân và xã hội. Với lợi thế có Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang đóng trên địa bàn, thời gian qua, thành phố đã mở các lớp may công nghiệp, để cung ứng lao động lành nghề cho công ty, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Việc địa phương mở lớp dạy nghề theo nhu cầu tuyển dụng của Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang khiến người lao động chúng tôi phấn khởi lắm, bởi sau khi học nghề chúng tôi đã được công ty nhận vào làm, đồng thời, được làm việc gần nhà, sẽ có thời gian để chăm sóc gia đình”.

Ông Nguyễn Trung Liệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo địa chỉ sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có được việc làm sau đào tạo. Cụ thể, người lao động có được tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, bắt kịp nhu cầu của xã hội. Còn doanh nghiệp tuyển được người lao động có tay nghề, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh”. Nhìn chung, đào tạo nghề theo địa chỉ là một trong hướng đi giúp người nông dân thu được “trái ngọt” sau học nghề, đặc biệt là học viên các lớp nghề phi nông nghiệp.

Cần có chính sách hỗ trợ

Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo còn là bài toán khó. Nhìn chung, những nghề nông nghiệp được đào tạo rất thiết thực, nhưng khi đào tạo xong người dân vẫn chưa phát huy hết kiến thức đã học. Còn với nghề phi nông nghiệp, mặc dù một số trung tâm dạy nghề có liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tìm cơ hội việc làm cho học viên, nhưng số lượng chưa nhiều. Vì vậy, để người dân sau khi học nghề trở thành lực lượng lao động có tay nghề, áp dụng vào mô hình sản xuất hiệu quả thì cần sự tiếp sức dài hơi. Ông Nguyễn Đức Bằng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vai trò và lợi ích của đào tạo nghề. Chỉ khi nào người dân hiểu học nghề là nhu cầu cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình thì đề án mới đạt kết quả cao. Đồng thời, ngành chức năng cần tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển sản xuất sau khi có chứng chỉ học nghề...”.

Nhìn chung, sau khi học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm bình quân đạt khoảng 69%, nhưng việc gắn kết học nghề với giải quyết việc làm còn thiếu đồng bộ, do đó, một số lao động vẫn chưa có việc làm hoặc tìm được việc làm nhưng chưa bền vững. Bên cạnh đó, sản phẩm của người dân sản xuất sau học nghề chưa kết nối được đầu ra. Chính vì vậy, cũng khiến người dân ngần ngại khi tham gia học nghề. Theo ông Lý Văn Chi, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, để đào tạo nghề phát huy hiệu quả thì đơn vị đào tạo cần có sự gắn kết với doanh nghiệp, để giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm sau đào tạo. Khi có doanh nghiệp tham gia, thì nông dân không chỉ được cung ứng đầu vào, mà còn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Trung Liệt, Phó Giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Để tạo “cú hích mới” cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của đào tạo nghề. Đồng thời, chú trọng phát triển nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ làm công tác quản lý dạy nghề tại địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố phải khảo sát kỹ nhu cầu của người học, nhu cầu của xã hội, để xây dựng kế hoạch đào tạo sát và đúng với tình hình thực tế. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ, góp phần tạo việc làm cho người lao động sau học nghề...”.

BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>