Buồn, vui nghề chạy xe ba gác

21/11/2016 | 06:32 GMT+7

Tiện lợi và luôn có mặt nhanh khi có người cần, nhưng đôi khi những người chạy xe ba gác cũng chạnh lòng vì nhận được những ánh mắt thiếu thiện cảm của không ít người.

Với nhiều người, chạy xe ba gác như một cái nghề.

Đậu nép chiếc xe bên tán cây ven đường để nghỉ mệt sau chuyến hàng trưa cho khách, lân la hỏi chuyện về nghề chạy xe ba gác, chúng tôi được ông Phan Văn Hoàng, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Trước đây, tui cũng mưu sinh bằng đủ thứ nghề hết, nhưng thấy không khá nổi nên vợ chồng mới bàn nhau vay tiền mua xe ba gác này. Chiếc xe giờ không chỉ là cần câu cơm cho cả gia đình tui mà đây còn là người bạn gắn bó, chứng kiến những vất vả gian nan của tui nữa. Nghề chạy xe ba gác này cực lắm, đâu có dễ ăn phải dầm mưa dãi nắng suốt. Sống với nghề chạy xe này mấy chục năm rồi nên đâu có bỏ nghề được, giờ có muốn đổi nghề khác cũng khó vì mình lớn tuổi rồi xin vào công ty, xí nghiệp ai chịu nhận đâu”. Gia đình ông Hoàng có ba người con và cũng không có ruộng đất gì nhiều. Hiện nay, thu nhập chính của gia đình ông chỉ dựa vào số tiền kiếm được hàng ngày nhờ chạy xe ba gác.

Nước da đen sạm, bàn tay rám nắng, nhưng trên môi họ luôn nở những nụ cười ân cần để đón tiếp khách. Đó là những gì chúng tôi nhìn thấy được ở những người chạy xe ba gác. Gắn bó với nghề chạy xe từ hồi còn trẻ đến nay, dù đã bước sang cái tuổi 63, nhưng ông Hồ Tấn Tài, ở khu vực 3, phường VII, thành phố Vị Thanh, vẫn quyết bám trụ với nghề. Ông Tài chia sẻ: “Hồi đó, tui chạy xe lam rồi chuyển qua xe lôi tự chế, tới khi cấm xe lôi tui cũng tiếp tục chuyển sang chạy xe ba gác này. Xe này lớn hơn xe gắn máy thông thường nên chở được đủ các loại hàng hóa hết như: vật liệu xây dựng, tủ bàn ghế, chén bát… nói chung ai thuê gì chở đó. Thường chúng tôi sẽ cho số điện thoại các doanh nghiệp, công ty, cửa hàng… khi nào có khách đặt hàng người ta sẽ gọi mình đi giao. Bởi vậy, bữa nào doanh nghiệp bán được là mình cũng kiếm được chút đỉnh. Còn mấy bữa trời mưa coi như không chạy được chuyến nào luôn. Vậy nên, cái nghề này nó cũng phụ thuộc thời tiết lắm. Như cả tháng rồi mưa bão là tui ở nhà suốt luôn”. Do chạy theo đơn giao hàng của doanh nghiệp nên ngày nào đắt lắm, ông Tài sẽ kiếm được khoảng 200.000 đồng/ngày.

Trong cái nắng gay gắt của buổi trưa, cũng tìm chỗ trú vội nghỉ mệt rồi trở về nhà ăn bữa cơm cùng gia đình, ông Trần Hiện Thanh, ở khu vực 1, phường III, thành phố Vị Thanh, nói: “Tôi theo nghề chạy xe này cũng hơn 20 năm rồi. Lúc trước, còn ít xe ba gác chứ giờ nhiều người chạy lắm nên chia sớt nhau để chạy. Thời xe lôi tự chế thịnh hành, tụi tui còn được vào hợp tác xã, khi đó sống cũng được lắm. Từ khi chuyển sang xe này hình như không còn tổ chức gì nữa, cũng không có bến bãi nào luôn. Nên giá cả là mình tự đặt ra dựa trên mấy cái xe khách khác. Tụi tui giờ ai cũng mong có được tổ chức như trước để có bến bãi, quy định giá cả đàng hoàng vậy để thuận tiện hơn cho hành khách khi có nhu cầu thuê xe. Làm nghề này đôi khi cũng chứng kiến những ánh mắt thiếu thiện cảm của không ít người…”.

Sau một ngày dài vất vả trên các nẻo đường, những người như ông Hoàng, ông Tài hay ông Thanh, sẽ thấy hạnh phúc khi bữa cơm chiều của gia đình họ sẽ đầm ấm, sung túc hơn nhờ số tiền chạy xe kiếm được sau một ngày…

Ông Nguyễn Văn Thiệp, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), cho biết: “Theo thống kê ban đầu, hiện tại toàn tỉnh có 76 phương tiện xe ba gác đang hoạt động. Để đảm bảo an toàn giao thông, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra và có hình thức xử lý đối với các phương tiện xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ, bốn bánh chở quá tải, quá khổ gây mất trật tự an toàn giao thông”…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>