Chăm lo đời sống hộ nghèo

04/10/2016 | 07:28 GMT+7

Hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề tạo việc làm, cất nhà tình thương... là những việc làm của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Vị Thủy, để hỗ trợ hộ nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chị Nương (bìa trái) phấn khởi khi được học nghề đan dây nhựa.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

Đang ngồi trò chuyện cùng mấy người bạn gần nhà, ông Trịnh Văn Lật, ở ấp 8, xã Vị Thủy, khoe con bò của gia đình đã có chửa được 5 tháng. Gia đình ông Lật chỉ có hơn 1 công đất ruộng, nên dầu có làm nhiều, nhưng cuộc sống vẫn túng thiếu, cái nghèo cứ bám riết gia đình. Được hỗ trợ bò sinh sản, gia đình ông Lật rất phấn khởi. Sau 18 tháng tiếp nhận bò đẻ con và hiện đang có chửa lứa thứ hai. Đây chính là cơ hội để gia đình ông thoát nghèo. Ông Lật cho biết: “Khi địa phương cho biết gia đình tôi được nhận bò sinh sản, vợ chồng tôi mừng đến rơi nước mắt. Hiện tại, tôi đã trả lại bò giống cho dự án. Từ chỗ không có vốn chăn nuôi, sản xuất, giờ đây gia đình tôi đã có 1 con bò để chăm sóc và chỉ vài tháng nữa là tôi có thêm bê con nữa rồi, nếu cứ thế này tôi hy vọng sẽ có đàn bò không lâu”. Trong quá trình nuôi, ông Lật đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, nhờ vậy ông biết cách chăm sóc nên bò phát triển tốt.

Ngoài mô hình nuôi bò, năm 2016 này, huyện Vị Thủy cũng hỗ trợ vốn thực hiện mô hình giảm nghèo ở xã Vị Đông. Hiện nay, trên địa bàn xã có 9 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện mô hình, mỗi hộ được 5 triệu đồng. Ông Trần Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, cho biết: “Các hộ dân đã tiếp cận nguồn vốn và thực hiện một số mô hình như chăn nuôi heo, chăn nuôi gà, vịt... Ngoài ra, để giúp người dân đạt được hiệu quả cao trong quá trình thực hiện mô hình, chúng tôi đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, để giúp người dân hiểu rõ phương pháp, cách thức nhằm giúp bà con thu được lợi nhuận cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện các mô hình giảm nghèo đã đem lại hiệu quả to lớn cả về mặt kinh tế và nhận thức xã hội. Sau khi thực hiện mô hình, người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đó chính là yếu tố cơ bản để họ vươn lên thoát nghèo theo hướng bền vững.

Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm

Với quan điểm đào tạo nghề gắn với tạo việc làm sẽ góp phần giúp người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, từ đầu năm đến nay, huyện Vị Thủy đã phối hợp mở 29 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 725 học viên theo học. Với các nghề như đan dây nhựa, bảo vệ, kỹ thuật xây dựng... Hầu hết các nghề phi nông nghiệp đều có đầu ra, người học có việc làm sau học nghề. Còn nghề nông nghiệp, người dân áp dụng trực tiếp vào mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình nên ai nấy rất phấn khởi. Chị Thị Nhượng, ở ấp 6, xã Vị Thủy, bộc bạch: “Tham gia lớp học nghề chăn nuôi giúp tôi có nhiều kiến thức bổ ích lắm. Khi đó, tôi biết cách chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm ở nhà, để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi”. Hồi trước, chị Thị Nhượng đang nuôi gần 40 con vịt, những năm trước chị cũng nuôi vịt, nhưng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Nay được trang bị kiến thức bài bản, chị Nhượng hy vọng đợt nuôi này sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

Còn chị Trần Thị Hồng Nương, ở ấp 8, xã Vị Đông, cũng rất vui khi được học nghề đan dây nhựa. Theo chị Nương, do trình độ học vấn thấp, cộng thêm có con nhỏ nên không thể đi làm xa, nay được học nghề gần nhà và có công việc ổn định, chị rất mừng. “Vài ngày nữa là lớp học kết thúc, sau đó, tôi sẽ nhận sản phẩm về đan gia công. Mỗi ngày, đan trên lớp và làm thêm vào buổi tối, tôi cũng đan được 2 cái giỏ, tính ra cũng được vài chục ngàn đồng. Với phụ nữ vùng nông thôn, có thêm thu nhập như vậy là mừng lắm rồi”, chị Nương bộc bạch.

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ vốn, dạy nghề tạo việc làm, khám chữa bệnh cho người nghèo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... được địa phương tích cực thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Năm 2016, huyện Vị Thủy phấn đấu giảm từ 2-3% hộ nghèo. Ông Lý Văn Chi, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, nhấn mạnh: “Để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, địa phương sẽ thực hiện tốt các chương trình, chính sách dành cho hộ nghèo. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục sát cánh, giúp đỡ bằng nhiều biện pháp để người dân vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống. Song song đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương”.

Huyện Vị Thủy hiện có 2.823 hộ nghèo, chiếm 15,6% và 321 hộ cận nghèo, chiếm 1,3%. Năm 2016, địa phương phấn đấu giảm từ 2-3% hộ nghèo.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>