Đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát nhu cầu

29/05/2019 | 10:05 GMT+7

Nhằm tạo việc làm ổn định, giúp lao động nông thôn nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo năm 2019, tỉnh đề ra kế hoạch đào tạo nghề cho 6.500 lao động.

Được học nghề và có được việc làm ổn định sau khi học nghề, đã giúp nhiều lao động nông thôn nghèo từng bước ổn định cuộc sống.

Để công tác đào tạo nghề phát huy được hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tăng cường khảo sát, cập nhật thông tin về cung - cầu thị trường lao động, điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đây, nhằm có giải pháp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Châu Thành A, nói: “Hiện tại, để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, chúng tôi đều dựa trên nguyện vọng của người học nghề và thực tế doanh nghiệp là chính. Vì bây giờ, không chỉ dạy cho người lao động có nghề, mà mục tiêu lớn nhất là gắn với giải quyết việc làm hiệu quả. Qua rà soát nhu cầu hiện tại ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, năm nay chúng tôi sẽ tập trung để xin mở các lớp như: may công nghiệp, kỹ thuật xây dựng, lắp ráp thiết bị lạnh…”.

Không chỉ đào tạo cung ứng lao động cho các đơn vị đặt hàng, để giúp người học nghề có việc làm tại chỗ, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A còn chủ động mời gọi doanh nghiệp đặt cơ sở tại địa phương. Với cách làm này, thời gian qua, nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo thiếu đất sản xuất của địa phương, đã có được thu nhập ổn định sau khi học nghề. Năm 2019, trên địa bàn huyện Châu Thành A, được giao chỉ tiêu mở 12 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và 4 lớp nghề nông nghiệp.

Còn đối với địa bàn huyện Phụng Hiệp, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, được xem là giải pháp góp phần quan trọng để từng bước kéo giảm hộ nghèo. Bà Đỗ Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, bộc bạch: “Nhờ có phương thức đào tạo phù hợp, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được nâng lên. Người lao động sau khi học nghề biết cách vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, một số lao động có tay nghề còn được nhận vào làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Qua đây, giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, đặc biệt là hộ nghèo”. Được biết, trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, năm 2019 này được giao chỉ tiêu mở 15 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và 9 lớp nông nghiệp.

Trực tiếp, đến từng xã, thị trấn để khảo sát và vận động mở lớp, ông Lê Văn Mai, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Mặc dù, địa bàn rộng dân số đông, nhưng lao động từ độ tuổi từ 18-35 trên địa bàn không còn, theo đó, số lượng lao động qua 35 tuổi thì lại rất nhiều. Vì vậy, năm nay chúng tôi sẽ xin mở các lớp như: đan dây nhựa, may và một số lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…”. Qua khảo sát, năm 2019 này nhu cầu về học nghề đan dây nhựa trên địa bàn rất nhiều. Với nghề này, người lao động có thể nhận khung và dây nhựa về gia công tại nhà, các sản phẩm hoàn chỉnh sẽ được cơ sở thủ công mỹ nghệ Thanh Thảo, tại Cần Thơ đảm bảo đầu ra. Bên cạnh đó, hiện địa phương cũng đang tập trung vận động đào tạo nghề may công nghiệp để cung ứng lao động cho Công ty TNHH Lạc Tỷ II và Công ty CP may Nhà Bè Hậu Giang.

Tập trung ưu tiên mở các lớp đào tạo nghề giải quyết việc làm tại chỗ, có doanh nghiệp đảm bảo đầu ra ổn định… thời gian qua, khi được giao chỉ tiêu mở lớp dạy nghề cán bộ, giáo viên tại Trung tâm GDNN- GDTX huyện Vị Thủy, cũng quyết tâm để hoàn thành kế hoạch đề ra. Ông Lý Minh Tâm, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Việc mở những lớp đào tạo nghề nào, hiện phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của doanh nghiệp chứ không phải do người lao động quyết định. Vì vậy, trong quá trình tập trung đi khảo sát, vận động học nghề, chúng tôi sẽ giới thiệu những nghề mà thực tế xã hội cần để đảm bảo đầu ra ổn định cho người học”. Ngoài đào tạo nghề theo chỉ tiêu được giao trên địa bàn huyện, những năm gần đây, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vị Thủy còn là đơn vị hỗ trợ đào tạo nghề tích cực cho lao động nông thôn ở thành phố Vị Thanh.

Được biết, năm 2019 toàn tỉnh sẽ mở 149 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, có 96 lớp phi nông nghiệp và 53 lớp nông nghiệp.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích