Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

26/05/2016 | 07:31 GMT+7

Việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động sau khi hoàn thành khóa học là hướng đi đúng đắn đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện.

Lớp học nghề may công nghiệp tổ chức tại xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A.

Đang ngồi may tại lớp may công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề huyện mở tại xã Tân Hòa, chị Trương Thị Bé Chính, ở ấp Trầu Hôi A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Việc địa phương liên kết với các công ty, doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo nghề khiến người lao động chúng tôi vui mừng lắm. Vui vì sau khi học nghề xong sẽ được công ty nhận vào làm, đồng thời, được làm việc gần nhà, chúng tôi sẽ có thời gian để chăm sóc gia đình, cũng như tiết giảm được chi phí ăn, ở nếu như đi làm ở ngoài tỉnh. Trong quá trình học, phía trung tâm còn nhận sản phẩm để chúng tôi may gia công, nhờ đó tăng thêm thu nhập gia đình nên chị em phấn khởi lắm”.

Do hoàn cảnh khó khăn nên trước đây, chị Bé Chính đã đi làm công nhân ở quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, bình quân thu nhập hơn 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do đi làm xa, không có thời gian chăm sóc gia đình, nên chị xin nghỉ để tìm công việc khác gần nhà. Khi được địa phương thông báo mở lớp may công nghiệp chị đã đăng ký học. Đến nay, chị đã tham gia lớp học khoảng một tháng.

Đào tạo nghề theo địa chỉ là hướng đi được nhiều địa phương thực hiện. Theo ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A, thì việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo nghề cho người lao động là một trong những việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giúp người lao động có được tay nghề, đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động chất lượng đầu vào, có trình độ chuyên môn, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc.

Được biết, trong năm 2016, Trung tâm Dạy nghề huyện đã liên kết với Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 để đào tạo nghề may công nghiệp, đây cũng là lớp đầu tiên trong năm nay. Sau khóa học, người lao động được cấp chứng chỉ nghề và được công ty tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động.

Không riêng gì huyện Châu Thành A, các huyện, thị xã, thành phố cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đơn cử như thành phố Vị Thanh. Trong năm 2015, thành phố đã liên kết với Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang để đào tạo nghề may công nghiệp, cung ứng gần 1.000 lao động có tay nghề cho công ty. Phát huy kết quả đạt được, sang năm 2016 này, thành phố tiếp tục liên kết với công ty để thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ. Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vị Thanh, cho biết: “Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, để người dân tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các công ty, doanh nghiệp để dạy nghề theo yêu cầu, phù hợp với thực tế, năng lực và đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động”.

Học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động không còn là câu chuyện cũ, nhưng để duy trì hiệu quả thì vẫn còn mới với nhiều địa phương. Trong đó, nhiều huyện than khó khi không “tìm mối” doanh nghiệp được. Năm 2016, dự kiến có 21 lớp dạy nghề phi nông nghiệp được mở. Cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động sẽ nhiều hơn, nếu như những lớp dạy nghề có đầu ra cụ thể...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>