Hào nhoáng nghề trang điểm

18/08/2016 | 08:41 GMT+7

Với sự tỉ mỉ, cẩn thận của những đôi bàn tay khéo léo, cùng sự sáng tạo, niềm đam mê và một chút nghệ sĩ, nghề trang điểm tuy hào nhoáng bên ngoài, nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi lòng bên trong...

Chị Diễm (bìa trái) trang điểm cho một cô dâu tại tiệm.

Đằng sau khuôn mặt rạng ngời trong ngày cưới hay vẻ đẹp không tì vết trong những bức hình thời trang, ít ai biết được người thợ trang điểm đã phải vất vả trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Nói về nghề, chị Nguyễn Thị Diễm, chủ tiệm áo cưới Minh Diễm, ở ấp 3A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết: “Ngay từ lúc còn trẻ tôi đã thích nghề này rồi, nhưng lúc đó cha mẹ không cho. Tôi phải thuyết phục mãi để được đồng ý. Mà hồi đó đi học gian nan lắm, sau gần 1 năm theo học nghề ở tỉnh An Giang, tôi về quê mở tiệm trang điểm, dịch vụ áo cưới, tính ra cũng hơn 20 năm rồi”.

Vào những tháng đắt khách, mỗi ngày chị Diễm trang điểm từ 6 đến 8 cô dâu, thậm chí có ngày hơn 10 người, mang về hơn 2 triệu đồng/ngày (300.000 đồng/lần trang điểm). Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chị Diễm thường xuyên lên internet để tìm hiểu thêm về cách tạo mẫu tóc cũng như xu thế trang điểm mới. Chị Diễm cho biết: “Những năm trước, khách hàng chuộng kiểu trang điểm đậm, nhưng hiện nay chỉ trang điểm nhẹ nhàng. Bây giờ có nhiều nơi trang điểm lắm, mình phải thường xuyên học hỏi, nâng cao tay nghề thì mới không bị tụt hậu, giữ chân được khách hàng”. Chị Diễm cho biết thêm, có những lần đi trang điểm ngoài tỉnh, phải ở lại đêm, dù rất mệt, nhưng khi thấy cô dâu xinh tươi, khuôn mặt rạng rỡ được mọi người khen ngợi, thì mọi mệt mỏi đều tan biến. Nhờ nghề trang điểm mà hiện nay, đời sống kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định, chị có điều kiện giúp đỡ người khác. “Với những cô dâu có hoàn cảnh khó khăn đến trang điểm, tôi lấy giá rất rẻ, ngoài ra còn cho họ mượn áo cưới miễn phí nữa. Hiện nay, dù tôi không còn làm dịch vụ cắt tóc nữa, nhưng với những người già, người có hoàn cảnh khó khăn, tôi vẫn sẵn lòng làm miễn phí. Thậm chí có những người lớn tuổi không ra tiệm được, tôi còn đến tận nhà để cắt tóc cho các cô, chú đó luôn. Làm được như vậy, tôi thanh thản và nhẹ nhàng, cuộc sống mà, tính toán quá cũng mệt lắm. Với tôi, đây là nghiệp sẽ theo suốt cuộc đời mình”, chị Diễm chia sẻ.

Nghề trang điểm, làm tóc cô dâu chẳng khác nào làm dâu trăm học. Nhìn vẻ hào nhoáng và lộng lẫy của những bộ đầm ngắn, đầm dài, đâu ai biết rằng đằng sau đó là cả cuộc sống mưu sinh cần mẫn, tỉ mỉ của những người làm nghề. Để chiều ý “thượng đế”, các người thợ sẵn sàng đến tận nhà hoặc đi cùng khách hàng khắp nơi để làm đẹp cho họ. Còn chuyện thức đến 1, 2 giờ sáng để trang điểm cô dâu là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Cũng nhờ nghề trang điểm, cho thuê áo cưới mà đời sống gia đình anh Nhan Quang Thạnh (tên thường gọi là Phi Long, chủ tiệm áo cưới Phi Long), ở phường I, thành phố Vị Thanh, ngày càng ổn định và có bước phát triển. Nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, anh Phi Long không khỏi chạnh lòng… Anh bảo, có thực sự yêu nghề thì mới làm được, những năm đầu vất vả lắm, trang điểm mỗi lần chỉ được 50.000- 60.000 đồng, nhưng khách cũng chẳng có bao nhiêu, dần dần, mới tăng lên 100.000 đồng, rồi 150.000 đồng, đến hiện nay là 500.000 đồng/lần trang điểm cô dâu, còn trang điểm dự tiệc hay hội nghị thì ít tiền hơn, đôi khi chỉ làm cho vui tay. Anh Phi Long cho biết: “Tôi yêu thích nghề này từ thời trai trẻ, lúc chưa học nghề tôi thường cắt tóc cho 2 đứa em gái. Hàng xóm láng giềng thấy tôi cắt tóc đẹp, nên cũng nhờ cắt tóc giùm. Mặc dù là nam, nhưng với sự đam mê của bản thân, tôi quyết định đăng ký học nghề ở thành phố Cần Thơ. Nhìn bề ngoài chắc ai cũng thấy nghề này khỏe lắm, không phải vậy đâu, đúng là lúc nào tiệm cũng tươm tất, người trang điểm cũng phải đẹp, nhưng kinh doanh mà, lo nhiều thứ lắm”. Nhờ chịu khó, nên chỉ theo học lớp trang điểm 3 tháng, anh Phi Long đã ra nghề và xin làm việc tại một cửa hàng áo cưới. Ngoài làm việc tại salon, anh còn nhận làm make-up bên ngoài để “lên tay” và kiếm thêm tiền. Sau khi tích lũy đủ vốn và có kinh nghiệm, anh đã tự mở cửa hàng của riêng mình ở tại thành phố Vị Thanh. “Chỉ cần sơ suất nhỏ là khách hàng sẽ không lựa chọn mình, uy tín bị ảnh hưởng lắm. Chắc cũng có chê, có khen, nhưng mình tận tâm với nghề sẽ vượt qua được”, anh Phi Long bộc bạch.

Vào những ngày đắt khách, cửa hàng của anh trang điểm từ 10-15 cô dâu, còn trung bình thì 5-6 người. Nhờ khả năng make-up nổi trội, thu nhập của anh cũng vì thế tăng lên nhanh chóng, lượng khách hàng, bạn bè tìm đến ngày một đông hơn. Anh có thêm điều kiện để sắm sửa đồ nghề và có thêm nhiều mối quan hệ. Tính đến nay, anh đã có hơn 30 năm hành nghề. Khi đã có chỗ đứng nhất định trong nghề, anh Phi Long bắt đầu nhận đào tạo học viên cho những người yêu thích trang điểm. Anh Phi Long quan niệm, để trở thành một thợ giỏi cần phải nỗ lực lao động và sáng tạo. Phong cách của anh chính là sự đơn giản. “Với tôi, càng đơn giản càng đẹp. Tuy nhiên, không có nghĩa là làm qua loa, sơ sài, mà quan trọng làm nổi bật được những nét riêng của mỗi người”, anh Long bày tỏ.

Sau mỗi tấm hình đẹp, mỗi gương mặt cô dâu rạng ngời là bàn tay cần mẫn của những thợ trang điểm như anh Phi Long, chị Diễm. Mỗi người đều có cuộc sống riêng, nhưng có chung niềm đam mê với nghề được gọi là những “phù thủy của sắc đẹp”…

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích