Làm mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn

27/09/2016 | 07:35 GMT+7

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo địa chỉ được các ngành, các cấp thực hiện và mang lại nhiều kết quả khả thi, đây cũng là điểm mới trong lĩnh vực này.

Phụ nữ ở ấp 8, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, học lớp đan dây nhựa.

Gần 2 tháng nay, ngày nào chị Võ Thị Nghi, ở ấp 6, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cũng đều đặn đến lớp học nghề đan dây nhựa được tổ chức tại ấp. Nhanh tay luồn những cọng dây nhựa đan cái giỏ, chị Nghi phấn khởi nói: “Được tham gia lớp học nghề như thế này, chị em phụ nữ vùng nông thôn mừng lắm. Sau khi hoàn thành khóa học, chúng tôi được nhận sản phẩm về đan gia công, mình làm cái này có thể lo được cho công việc gia đình, lại vừa có thêm thu nhập, thật mừng không kể siết”. Tuy học nghề không lâu, nhưng nhờ khéo tay cộng thêm tính siêng năng, chăm chỉ nên chị Nghi đan rất đẹp và đều tay, nhờ đó sản phẩm đều đạt yêu cầu. Mọi thu nhập của gia đình chị Nghi chủ yếu phụ thuộc vào tiền làm thuê, làm mướn của chồng chị, còn chị thì ở nhà lo chuyện cơm nước và giữ con. Vì vậy, khi có được công việc, để san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng, chị thấy phấn khởi lắm. Sau khi khóa học kết thúc, Hợp tác xã Thanh Tú (huyện Vị Thủy) do bà Lê Thị Ngọc Thu làm chủ nhiệm sẽ thu mua sản phẩm của bà con. Bà Thu cho biết: “Để giúp mọi người tăng thêm thu nhập, chúng tôi đã liên kết với các công ty ở thành phố Cần Thơ thu mua sản phẩm của người dân. Tùy theo kích cỡ sản phẩm lớn, nhỏ mà mỗi sản phẩm có giá từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng. Nếu người nào đan giỏi có thể thu nhập được từ vài trăm đến hơn 2 triệu đồng/tháng”.

Hiện nay, nghề đan lục bình cũng có đầu ra ổn định, giúp học viên yên tâm gắn bó với nghề. Tay thoăn thoắt luồn những cọng lục bình phơi khô vào cái khuôn được kẹp chặt dưới gối, bà Lê Thị Thúy, ở ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nhờ nghề này mà chị em phụ nữ chúng tôi có thêm thu nhập để sắm sửa đồ đạc trong gia đình. Ai nấy mừng lắm”. Theo bà Thúy, nghề đan lục bình không khó lại cho thu nhập khá, nếu chịu khó cũng kiếm được hơn 2 triệu đồng, còn không thì cũng bảy, tám trăm ngàn đồng mỗi tháng. Đối với phụ nữ vùng nông thôn được như vầy cũng quý lắm rồi !

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình được Hợp tác xã Kim Ngân (thị xã Long Mỹ) thu mua, nên mọi người yên tâm về đầu ra của sản phẩm. “Lúc trước, có nhiều chị em tham gia học nghề, nhưng sản phẩm khó tiêu thụ nên ai nấy ngán ngại. Bây giờ, Hợp tác xã Kim Ngân vừa cung cấp nguyên liệu lại thu mua nên chúng tôi sẽ cố gắng làm, để góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình”, bà Thúy bộc bạch.

Bên cạnh những nghề đan đát, nghề may công nghiệp cũng có đầu ra ổn định. Với lợi thế có Công ty TNHH Lạc Tỷ II đóng trên địa bàn, huyện Châu Thành A đang tích cực đào tạo nghề may công nghiệp để đáp ứng yêu cầu của công ty. Ông Phan Vũ Cường, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, nói: “Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để tạo việc làm cho người dân sau học nghề, ngoài Công ty TNHH Lạc Tỷ II, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các công ty, doanh nghiệp khác để dạy nghề theo yêu cầu, phù hợp với thực tế, năng lực và đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động”.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo địa chỉ sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có được việc làm sau đào tạo. Cụ thể, người lao động có được tay nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp tuyển được người lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của công việc. Nhìn chung, đào tạo nghề theo địa chỉ là một trong những hướng đi giúp người nông dân thu được “trái ngọt” trọn vẹn nhờ học nghề, đặc biệt với học viên các lớp nghề phi nông nghiệp...

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010, tỉnh đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ, nhưng kết quả không nhiều. Kể từ năm 2015 đến nay, công tác đào tạo nghề theo địa chỉ được chú trọng. Trong năm 2016 này, thực hiện theo Quyết định 971/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương chỉ mở những lớp đào tạo nghề khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau học nghề. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khai giảng 75 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích