Lặng lẽ...“cõng mùa đông”

20/07/2016 | 09:11 GMT+7

Bất kể ngày nắng hay mưa, trời lạnh hay nóng, những người làm nghề bỏ mối nước đá vẫn lặng lẽ mưu sinh khắp các nẻo đường. Cái nghề của họ được ví như “cõng mùa đông” vậy.

Với thu nhập ổn định, nên ông Minh vẫn gắn bó với nghề giao nước đá.

Những ngày tháng 7 trời hay đổ mưa, nhưng ông Doãn Ngọc Minh (52 tuổi), ở khu vực 3, phường IV, thành phố Vị Thanh, vẫn đều đặn đi giao nước đá cho các mối quen mỗi ngày. Nhìn ông Minh nhanh nhẹn chặt từng khúc nước đá, đưa vào máy cắt, cho vào bao rồi vác lên xe thật thành thạo, những tưởng công việc đơn giản, nhưng không nhẹ nhàng như mọi người nghĩ và đằng sau đó là cả những nỗi nhọc nhằn mưu sinh. Ông Minh bộc bạch: “Làm nghề này, nếu không chịu lạnh hay không khuân vác nặng được thì coi như thua rồi. Nghề của chúng tôi không có ngày nghỉ như người ta. Dù nắng hay mưa, nếu khách cần nước đá là chúng tôi đều đi giao”.

Mỗi ngày, vợ chồng ông Minh phải dậy từ 3 giờ sáng để sắp xếp nước đá, rồi bắt đầu đi giao cho các mối trong nội ô thành phố Vị Thanh, đến khoảng 10-11 giờ, tranh thủ cơm nước, lại tiếp tục giao nước đá cho các mối buổi chiều, cứ luôn chân luôn tay. Ngoài những mối quen, quán cà phê, những hộ dân có nhu cầu giao với số lượng kiếm lời được, thì ông bà đều chở đến tận nhà. Mỗi ngày, vợ chồng ông Minh giao khoảng 40-50 cây nước đá, cũng kiếm được 300.000-400.000 đồng, còn vào tháng nắng thì đắt khách hơn, đồng nghĩa thu nhập nhiều hơn. Bà Lê Thị Hà, vợ ông Minh, chia sẻ: “Công việc chở nước đá này nói ra thì vất vả lắm, nhưng được cái là có đồng vô, đồng ra hàng ngày. Bởi vậy, mà có cực mấy vợ chồng tui cũng chịu được, miễn sao có tiền lo cho cuộc sống gia đình, con cái đi học là khỏe rồi. Trước đây, đi giao nước đá cây thôi, nhưng thấy nhu cầu hàng quán này kia cần nhiều nước đá xay, nên nhà tui đầu tư máy xay khoảng 2 triệu đồng để kinh doanh, tính ra làm cũng được”.

Dẫu biết nghề này ít nhiều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhất là với những người có tuổi như ông bà, việc khuân vác nặng dễ sinh ra bệnh đau cột sống, xương khớp… nhưng vì cuộc sống nên chẳng dễ gì mà từ bỏ. Vợ chồng ông Minh, bà Hà đã gắn bó với nghề gần 20 năm, dù vất vả, nhưng ông bà đã… thích nó lúc nào không hay. “Ngày nào nghỉ không đi giao nước đá là thấy thiếu thiếu cái gì đó, tay chân lọng cọng lắm. Làm nghề này, nếu nói dư dả nhiều chắc không có đâu, nhưng nếu chịu khó, cuộc sống cũng ổn định lắm à”, bà Hà chia sẻ thêm.

Với nhiều người, nghề bỏ mối nước đá đã đem lại thu nhập chính để nuôi sống gia đình. Ít ruộng đất, nên anh Dương Hoàng Yên, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, đã chọn nghề bán nước đá làm nghề chính của mình. Mỗi ngày 2 giờ sáng, anh thức dậy và quần quật với công việc cho đến 21-22 giờ đêm.

Một năm bén duyên với cái nghề lạnh lẽo này, cũng là ngần ấy thời gian đôi tay của anh Yên luôn thô ráp vì lạnh. Khó là vậy, nhưng anh chẳng bao giờ than vãn, bởi nghề này đã nuôi sống cả gia đình và so với làm ruộng thì thu nhập khá hơn, cũng đỡ hơn cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Anh Yên cho biết: “Làm nghề này, dù trời nắng nóng hay mưa dầm gì cũng lạnh hết. Tuy có cái áo chống nước thấm bằng… cái bao mặc bên ngoài, nhưng vẫn lạnh”. Mỗi ngày, anh Yên đi giao từ 40-50 cây nước đá, trừ chi phí cũng mang về vài trăm ngàn đồng. Anh Yên bộc bạch: “Tôi cũng thuê mướn người làm, nhưng công việc nặng nhọc, lạnh quá nên người ta làm chừng vài tháng, thậm chí có người vài ngày là… chạy rồi. Tháng nắng còn đỡ chứ tháng mưa hơi bị vất vả à. Mà tôi thấy rồi, nghề nào cũng có cái cực riêng của nó, chỉ cần có thu nhập ổn định, có vất vả mấy tôi cũng thấy vui”.

Theo anh Yên, mỗi cây nước đá có trọng lượng khoảng 50kg, nhưng khuân vác riết rồi quen, dần dà anh thấy không còn nặng nữa. Chỉ có điều, công việc phải bưng bê, ôm vác nước đá nên cả người lúc nào cũng ướt nhẹp, không được thoải mái. Với những người làm nghề bỏ nước đá, vật dụng bất ly thân là chiếc áo mưa. Dù trời nắng hay mưa họ đều khoác chiếc áo mưa lên người. Cũng giống anh Yên, nhiều người chọn cho mình áo mưa bằng bao cho bền, “độc” hơn nữa thì lấy bọc ni-lông may thành áo mưa mặc cho rẻ…

Cũng khó thống kê được có bao nhiêu người làm nghề bỏ nước đá khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng ở họ đều có chung một điểm là chịu khó, cần mẫn, lặng lẽ làm mát cho mọi người, còn mình ôm cái lạnh như mùa đông. Nói như anh Lê Bé Sáu, ở khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh, thì: “Dẫu công việc có phần vất vả, nhưng chỉ cần có thể kiếm tiền bằng sức lao động chân chính của mình thì tui vẫn quyết tâm gắn bó…”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>